Hàng hóa - Giá cả

Một "mỏ vàng" vừa mang về cho Việt Nam 1,3 tỷ USD: Mỹ - Trung Quốc liên tục ‘chốt đơn’, nước ta là ‘ông trùm’ lớn thứ 2 toàn cầu

Hoàng Anh 26/05/2025 11:11

Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

xuat khau tom viet nam
Việt Nam là nước xuất khẩu tôm đứng thứ hai thế giới

Xét về thị trường, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 30% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam), tương đương 389 triệu USD, tăng mạnh 103% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng 3 con số tại thị trường này là nhờ doanh số bán tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh.

Đứng thứ 2 là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay đạt 193 triệu USD (tăng 15%). Riêng trong tháng 4, xuất khẩu tôm sang thị trường này ghi nhận tăng 25%. Đà tăng này chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế từ Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có duy trì được lâu hay không còn chưa rõ ràng và phải chờ đợi quyết định chính thức từ Mỹ về chính sách thuế của họ đối với các nước.

Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 của tôm Việt Nam với kim ngạch đạt 169 triệu USD (tăng 20%). Đây là thị trường truyền thống và có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay. Người tiêu dùng Nhật chuộng chất lượng cao và ổn định, tuy nhiên cạnh tranh tại đây ngày càng gay gắt từ các nhà cung cấp khác.

Trong bối cảnh thuế Mỹ, thị trường Nhật nên được quan tâm hơn. Các doanh nghiệp Việt cũng cần thay đổi cách tiếp cận: tăng đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu, phát triển dòng sản phẩm "chuẩn Nhật", và cải thiện truyền thông thương hiệu.

Khối thị trường châu Âu (EU) đứng thứ 4 với kim ngạch 152 triệu USD (tăng 28%), chiếm 11,7% tổng xuất khẩu, EU tiếp tục là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam trong bối cảnh áp lực gia tăng trước thuế quan từ phía Mỹ.

Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tôm đứng thứ hai thế giới, chiếm 13 - 14% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn cầu. Việt Nam là một trong 5 quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới (cùng với Ecuado, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia). Năm quốc gia này cung ứng 74% sản lượng tôm cho toàn cầu.

VASEP dự báo năm 2025, xuất khẩu tôm có thể đạt 4,3-4,5 tỷ USD ( tăng 10-15%), nhờ sự phục hồi của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và nhu cầu gia tăng đối với sản phẩm chế biến sâu

Mặc dù xuất khẩu tôm ghi nhận phục hồi trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên VASEP đánh giá triển vọng vẫn còn nhiều ẩn số. Tái cơ cấu chiến lược tiếp cận thị trường, trọng tâm là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Có nhiều kịch bản được đặt ra về mức thuế đối ứng Mỹ dành cho Việt Nam. Những đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan…, khả năng có mức thuế sau đàm phán thấp hơn Việt Nam. Bởi vì, thuế đối ứng của Bangladesh là 37%, Thái Lan 36%, Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10%, tức thấp hơn mức 46% của Việt Nam. Điều này rất có thể những quốc gia này sẽ được áp mức thuế thấp hơn 20%. Nếu kịch bản này xảy ra, thị phần và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ chắc chắn bị lung lay.

Tuy vậy, kỳ vọng, các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và tích cực nhất. Việt Nam vẫn đang từng bước đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hoá Mỹ; kiểm soát được gian lận xuất xứ hàng hoá; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

      Nổi bật
          Mới nhất
          Một "mỏ vàng" vừa mang về cho Việt Nam 1,3 tỷ USD: Mỹ - Trung Quốc liên tục ‘chốt đơn’, nước ta là ‘ông trùm’ lớn thứ 2 toàn cầu
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO