Thị trường

Một mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 676%: Lào, Campuchia đua đặt hàng

Hạ Vy 06/04/2025 09:04

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt hơn 334.000 tấn, mang về hơn 134 triệu USD. Lào, Campuchia đang trở thành hai thị trường tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng vọt hơn 600%.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2025, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 186.000 tấn phân bón với tổng giá trị hơn 73 triệu USD. So với tháng trước, con số này tăng mạnh cả về lượng (+26,7%) và trị giá (+21,7%). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành phân bón đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn điều chỉnh của năm 2024.

xuatkhau.png
Xuất khẩu phân bón tăng vọt


Lũy kế trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 334.000 tấn phân bón, trị giá hơn 134 triệu USD. Mặc dù giảm nhẹ 5,1% về khối lượng và 7,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, song kết quả này vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và biến động giá đầu vào. Giá xuất khẩu bình quân đạt 402 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ.

Xét về thị trường, Campuchia tiếp tục là điểm đến lớn nhất cho phân bón Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, nước này nhập hơn 83.000 tấn, trị giá gần 29 triệu USD. Dù giá xuất khẩu bình quân giảm 16% còn 346 USD/tấn, nhưng lượng tiêu thụ vẫn tăng 22,9%, cho thấy sức mua cao và nhu cầu thị trường ổn định.

Lào là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng vượt trội. Trong vòng hai tháng, xuất khẩu phân bón sang Lào đạt hơn 11.800 tấn, tương đương hơn 4,3 triệu USD – tăng 350% về lượng và 676% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các thị trường xuất khẩu trọng điểm, cho thấy vai trò ngày càng lớn của thị trường Lào trong chiến lược mở rộng của doanh nghiệp Việt.
Tương tự, Đài Loan cũng ghi nhận mức tăng mạnh với 18.469 tấn, trị giá 7,64 triệu USD – tăng 178,3% về lượng và 181% về giá trị. Hàn Quốc đứng thứ hai về lượng nhập khẩu với gần 70.000 tấn, trị giá hơn 27 triệu USD, tăng lần lượt 14,9% và 7,7% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân tại đây đạt 395 USD/tấn, tăng 20%.

xuatkhau1.png


Nhu cầu toàn cầu phục hồi, phân bón Việt có cơ hội bứt phá
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), giai đoạn 2024–2028 sẽ chứng kiến mức tăng 6% nhu cầu tiêu thụ phân ure toàn cầu. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế về giá, nguồn nguyên liệu trong nước và vị trí địa lý để tăng sản lượng xuất khẩu.

Ngoài các thị trường truyền thống như Campuchia và Hàn Quốc, Việt Nam cũng đang xúc tiến mở rộng thị trường sang châu Âu – khu vực có tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhưng giá trị cao. Đây là định hướng bền vững trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm tới nông nghiệp xanh và phân bón thân thiện với môi trường.

Trong giai đoạn 2024–2029, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) của phân bón hóa học và hữu cơ được dự báo đạt 6,5–6,7%, phản ánh rõ xu hướng chuyển đổi sang canh tác bền vững. Điều này giúp sản phẩm phân bón Việt Nam, đặc biệt các dòng sản phẩm mới như phân hữu cơ vi sinh, có cơ hội gia tăng thị phần tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2025, cung – cầu phân bón trong nước có xu hướng ổn định hơn so với năm 2024. Tổng nguồn cung phân bón cả nước ước đạt 11,5–12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến khoảng 10–10,5 triệu tấn.

Đặc biệt, từ ngày 01/7/2025, Luật sửa đổi thuế giá trị gia tăng sẽ chính thức áp dụng thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón – thay vì miễn thuế như trước đây. Theo các chuyên gia, việc áp thuế 5% mang lại một số lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất trong nước như:

Nới rộng biên lợi nhuận gộp, tạo đà tăng trưởng lợi nhuận.
Hạn chế cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do tăng chi phí đầu vào.
Đây là cú hích chính sách giúp thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của phân bón “Made in Vietnam”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 676%: Lào, Campuchia đua đặt hàng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO