Một loại cá Việt âm thầm tăng tốc tại Mỹ: Xuất khẩu tăng vọt, sẵn sàng thế chỗ Trung Quốc
Việt Nam đang nắm bắt thời cơ vàng khi xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ tăng vọt 105% chỉ trong 2 tháng đầu năm. Trong bối cảnh Trung Quốc gặp rào cản mới, cá rô phi Việt Nam có thể sẽ là “át chủ bài” tiếp theo sau cá tra và cá ngừ trên thị trường quốc tế.
Cá rô phi Việt Nam âm thầm tăng tốc tại Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cá rô phi đang nổi lên như một trong những loài cá thịt trắng được ưa chuộng hàng đầu tại Mỹ – thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc – “ông trùm” cung cấp cá rô phi toàn cầu – đang đối mặt với những rào cản thương mại, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 3 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Mỹ chiếm tới 47% tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của cả nước, cho thấy sức hút đặc biệt của mặt hàng này đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Cơ hội lớn từ căng thẳng thương mại Trung – Mỹ
Chính sách thương mại khắt khe từ chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc, bao gồm cá rô phi, bị áp mức thuế cao và siết chặt kiểm định. Đây được xem là bước ngoặt có lợi cho các quốc gia như Việt Nam, vốn có tiềm năng sản xuất mạnh và đang tìm hướng mở rộng thị trường cá thịt trắng, vốn dĩ đang phụ thuộc nhiều vào cá tra.
Cùng với cá tra và cá ngừ – hai “mũi nhọn” xuất khẩu chủ lực, cá rô phi đang được kỳ vọng sẽ là “ngôi sao mới” của ngành thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, việc người tiêu dùng Mỹ ngày càng chuộng các sản phẩm cá thịt trắng có nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng đã tạo đòn bẩy cho cá rô phi Việt Nam tăng trưởng.

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển cá rô phi. Các vùng nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ... có khí hậu ấm áp quanh năm, nguồn nước dồi dào, phù hợp cho nuôi cá rô phi với năng suất cao. Trung bình chỉ cần 4–6 tháng nuôi là có thể thu hoạch, trong khi chi phí đầu tư không quá lớn so với các loại cá đặc sản khác.
Cùng với đó, kinh nghiệm nuôi cá tra nhiều năm đã giúp Việt Nam xây dựng được hệ thống sản xuất giống, kỹ thuật chăm sóc và quy trình chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều tỉnh thành như An Giang đã bắt đầu tập trung phát triển cá rô phi thương phẩm, xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học và liên kết doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Trung tâm sản xuất giống thủy sản An Giang hiện là đơn vị dẫn đầu trong việc cung ứng giống cá rô phi cho toàn vùng, góp phần đảm bảo chất lượng đầu vào cho ngành nuôi.
Thách thức vẫn còn phía trước
Tuy nhiên, để cạnh tranh thực sự với các “ông lớn” như Trung Quốc, Indonesia hay một số nước Mỹ Latinh – vốn đã chiếm lĩnh thị trường cá rô phi tại Mỹ từ lâu – Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Khó khăn đầu tiên là vấn đề giống. Hiện nay, phần lớn giống cá rô phi ở phía Bắc vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt thiếu hụt vào mùa đông. Việc chưa chủ động được nguồn giống chất lượng cao khiến năng suất chưa ổn định và chi phí đầu vào cao hơn.
Thêm vào đó, cá rô phi Việt Nam hiện chưa có nhiều thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp còn thiếu các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP… khiến việc cạnh tranh về chất lượng với Trung Quốc – quốc gia có hệ thống nuôi quy mô công nghiệp – gặp trở ngại.
Ngoài ra, cá rô phi Việt Nam phải đối mặt với bài toán kiểm định gắt gao từ các thị trường khó tính như Mỹ. Nếu không kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh, quy trình xử lý sau thu hoạch, sản phẩm rất dễ bị trả về hoặc cấm nhập khẩu.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng đà tăng trưởng ấn tượng trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của ngành cá rô phi xuất khẩu Việt Nam. VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần đầu tư bài bản vào vùng nuôi đạt chuẩn, nâng cao tỷ lệ chế biến sâu, mở rộng sang thị trường châu Âu, Trung Đông để giảm lệ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Song song đó, việc phát triển thương hiệu cá rô phi Việt Nam trên thị trường quốc tế, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và áp dụng các chứng nhận quốc tế sẽ là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần.