Một chu kỳ tăng giá mới với cổ phiếu đá Vicostone (VCS)?

Cập nhật: 14:22 | 16/05/2024 Theo dõi KTCK trên

TPS kỳ vọng cổ phiếu VCS có thể tiếp tục giữ vững xu hướng tăng này khi các phiên gần đây, thanh khoản tăng đột biến một cách rõ rệt.

Phiên giao dịch ngày 16/5, cổ phiếu VCS điều chỉnh giảm nhẹ (-0,71%) sau phiên tăng mạnh trước đó (+6,02% phiên 15/5), thị giá hiện đạt mức 70.000 đồng/cổ phiếu. Than khoản các phiên gần đây cũng cải thiện rõ rệt với liên tiếp các phiên giao dịch hàng trăm nghìn đơn vị.

Theo phân tích từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS), cổ phiếu VCS đang tạo lập một xu thế tăng mới, với đáy thứ 2 được xác nhận vào ngày 1/11/2023. Hiện tại, xu hướng tăng trên đồ thị ngắn hạn và trung hạn đã được xác nhận. TPS kỳ vọng cổ phiếu VCS có thể tiếp tục giữ vững xu hướng tăng này khi các phiên gần đây, thanh khoản tăng đột biến một cách rõ rệt.

Các chỉ báo hiện phần lớn nằm ở mức trung tính và đang có dấu hiệu hướng lên trên. Chỉ báo MACD với 2 đường MACD giao cắt nhau từ dưới và đang di chuyển lên vùng dương, cỏ histogram của MACD và chỉ báo RSI cũng đang có những dấu hiệu tích cực khi đang hướng lên trên.

Thêm vào đó, 3 đường EMA ở 10, 20 và 50 đều đang hỗ trợ vùng giá 65.000 – 67.000 rất tốt và tạo thành một hỗ trợ cứng cho cổ phiếu VCS trong ngắn hạn.

Với tình hình thanh khoản và giá vẫn đang tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, TPS khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc giao dịch cổ phiếu VCS khi: (1) giải ngân một phần ngay vùng giá hiện tại ở mức 70.500; và (2) VCS điều chỉnh về vùng giá 67.000.

Một chu kỳ tăng giá mới với cổ phiếu đá Vicostone (VCS)?
Hiện tại, xu hướng tăng trên đồ thị ngắn hạn và trung hạn đã được xác nhận

Theo tìm hiểu, Vicostone - chủ sở hữu thương hiệu đá thạch anh Vicostone, là một trong những doanh nghiệp đình đám trong hệ sinh thái của doanh nhân Hồ Xuân Năng. Đây cũng chính là doanh nghiệp làm nên tên tuổi của ông Hồ Xuân Năng và đưa vị doanh nhân sinh năm 1964 này vào Top người giàu trên thị trường chứng khoán với khối tài sản nghìn tỷ.

Quý 1/2024, Vicostone ghi nhận doanh thu hơn 1.073 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, VCS ghi nhận lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, tăng gần 15 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.

VCS có tổng nguồn vốn 6.425 tỷ đồng, doanh nghiệp có hơn 1.590 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Trong đó, tiền mặt gần 525 tỷ đồng và hơn 1.065 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra vừa qua, ban lãnh đạo Vicostone đã dành phần lớn thời gian phiên họp để trả lời các câu hỏi thắc mắc của cổ đông về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới với nhiều thông tin đáng chú ý.

Cụ thể, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vicostone chia sẻ, áp lực cạnh tranh trên thị trường đá nhân tạo trong thời gian tới là "rất khắc nghiệt". Đồng thời, khó lòng kỳ vọng bài toán hiệu quả như giai đoạn trước năm 2019 bởi khi ấy phân khúc đá nhân tạo cao cấp ít cạnh tranh hơn.

Theo Chủ tịch Vicostone, nhiều đối thủ đã tuyên bố "Vicostone làm gì họ sẽ làm đó" và cạnh tranh bằng mọi giá khi sản phẩm của Vicostone bán giá 100 USD thì các đối thủ chỉ bán giá 60 USD.

Trên thực tế, giá sản phẩm của Vicostone đã giảm khoảng 20% từ 2019 đến nay. Nếu tiếp tục giảm giá mạnh thì hoạt động kinh doanh sẽ không còn nhiều hiệu quả, ông Hồ Xuân Năng khẳng định.

Do đó, lãnh đạo Vicostone đánh giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng doanh thu 8% trong năm nay, lên mức 4.314 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế khoảng 1.032 tỷ đồng như cam kết với cổ đông sẽ là một thách thức, nhưng công ty sẽ nỗ lực kiểm soát tốt chi phí để đạt được các mục tiêu trên.

Một chu kỳ tăng giá mới với cổ phiếu đá Vicostone (VCS)?
Ban lãnh đạo Vicostone dành phần lớn thời gian phiên họp đại hội để trả lời các câu hỏi thắc mắc của cổ đông về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới với nhiều thông tin đáng chú ý

Đồng thời, ông Hồ Xuân Năng lần đầu tiên tiết lộ doanh thu của Vicostone tại thị trường Việt Nam với con số 20 triệu USD trong năm 2023, tương đương 10% tổng doanh thu hợp nhất cả năm của công ty.

"Doanh thu nội địa khiêm tốn như vậy nhưng Vicostone vẫn đứng top 1 Việt Nam về cả uy tín, chất lượng và thị phần", Chủ tịch Vicostone nói và cho biết các đối thủ tại Việt Nam cũng không bán được nhiều hàng do nhu cầu trong nước thấp.

Thậm chí, có doanh nghiệp đầu tư cả một dây chuyền nhưng chỉ sản xuất được 1 tháng là phải đóng cửa, không phải do chất lượng kém mà do nhu cầu thị trường đối với đá nhân tạo thấp. Điều này cho thấy quy mô thị trường đá nhân tạo tại Việt Nam tương đối nhỏ so với năng lực sản xuất của Vicostone, ông Hồ Xuân Năng cho biết thêm.

Về triển vọng thị trường xuất khẩu, Chủ tịch Vicostone chia sẻ, các thị trường xuất khẩu chính của công ty vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn. Như tại Mỹ, nhu cầu xây dựng dự kiến không tăng, giá nhà vẫn ở mức cao nhưng tỷ lệ xây mới rất ít. Trong khi đó, công ty đang chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ doanh nghiệp Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…

Tuy nhiên, Vicostone sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược sản phẩm phân khúc cao cấp, tập trung vào thị trường Mỹ và Canada, nơi người dân có thu nhập cao và rất ưa chuộng sản phẩm của doanh nghiệp, Chủ tịch Vicostone khẳng định.

SHS tăng vốn lớn với mục tiêu tham vọng trở thành Tập đoàn Tài chính Đầu tư

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã CK: SHS) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 ...

Cổ phiếu HPG lên đỉnh 2 năm, Hòa Phát thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán

Với việc thị giá cổ phiếu HPG bứt phá lên vùng đỉnh 2 năm, giá trị vốn hoá của Tập đoàn Hòa Phát hiện chỉ ...

Chứng khoán phiên sáng 16/5: Cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng kéo VN-Index tăng vọt

Thị trường chứng khoán phiên sáng 16/5 mở gap tăng hơn 10 điểm trước phiên đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư mở lệnh mua ...

Linh Đan