Mong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sớm ban hành

Cập nhật: 08:49 | 10/06/2016 Theo dõi KTCK trên

Các đại biểu tham dự một hội thảo hôm nay 9-6, tại TPHCM đều mong muốn dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sớm hoàn thiện trình Quốc hội và được thông qua để các doanh nghiệp này có cơ sở pháp lý nhận được sự hỗ trợ nhằm phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

mong luat ho tro dn nho va vua som ban hanh


Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo.


Đây là những nội dung chính được ghi nhận trong ngày đầu tiên của Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV diễn ra tại TPHCM vào ngày hôm nay, 9-6 với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước. Hội thảo diễn ra trong ba ngày.

Cần xem phát triển DNNVV là chiến lược quốc gia

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải có Luật Hỗ trợ DNNVV mà lý ra phải có sớm hơn bởi nhiều nước trên thế giới đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này phát triển khá lâu.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa được quan tâm đúng mức, cần hỗ trợ đến nơi đến chốn. "Phải xem phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, chứ không có nghĩa là Nhà nước hỗ trợ cho một bộ phận yếu thế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của họ", ông Lịch nêu ý kiến, và cho rằng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển vừa có ý nghĩa kinh tế, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Ở Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, nhưng 99,7% trong số khoảng 4,5 triệu doanh nghiệp của họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lịch dẫn chứng.

Cũng theo ông Lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng chính làm công nghiệp hỗ trợ. Do đó, ông Lịch đề nghị gắn thêm nội dung công nghiệp hỗ trợ vào Luật này, bởi công nghiệp hỗ trợ là vấn đề cốt lõi trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang diễn ra hiện nay.

Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, có bốn nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt gồm tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và tiếp cận thị trường. Theo ông Lịch, đây là bốn nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt mà doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng cần sớm có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ về tài chính là điều cần thiết, nhưng doanh nghiệp quan tâm, trông chờ nhiều ở sự cải cách về thủ tục hành chính…

Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng một khi có sự khác nhau về luật trong chính sách hỗ trợ cho DNNVV thì cần áp dụng Luật hỗ trợ DNNVV. Đây là vấn đề rất quan trọng để tạo sự thống nhất. Bởi theo ông Nam, thực tế thì hiện nay pháp luật của nước ta khi triển khai xuống địa phương thì không có sự thống nhất giữa các luật chuyên ngành; gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đây đang là một tồn tại phổ biến trong quá trình thực thi luật mà rất nhiều doanh nghiệp gặp phải.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cũng cho thấy, vai trò Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV chủ yếu là chính quyền địa phương hoặc vùng (như Nhật Bản), chứ không phải chính quyền trung ương. Tuy nhiên, trong dự thảo luật này, ông Lịch cho rằng vai trò của chính quyền địa phương còn khá chung chung và mờ nhạt, nên cần được quy định rõ hơn; tạo điều kiện cho các địa phương nâng cao tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong việc hỗ trợ DNNVV.

Không vi phạm cam kết quốc tế


Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc ra đời Luật Hỗ trợ này của Việt Nam sẽ vi phạm và trái với quy định về thương mại quốc tế. Tuy nhiên ông Trần Du Lịch, khẳng định là không trái với cam kết của Việt Nam với WTO hay TPP... Theo ông Lịch, đây không phải là trợ cấp và một số nước cũng có chính sách riêng để hỗ trợ cho doanh nghiệp nước họ phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết ngay từ đầu khi bắt đầu xây dựng Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Ban soạn thảo đã tham khảo, nghiên cứu rất kỹ các quy định chung, xác định đâu là hành lang, không gian để Chính phủ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Chính vì thế, những nội dung ưu đãi trong Dự thảo Luật đưa ra hoàn toàn phù hợp, không vi phạm các quy định về thương mại quốc tế. Thứ trưởng Đông khẳng định, ở đây không có sự bao cấp. Luật được xây dựng nhằm đưa ra cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, các chương trình hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước; lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia, nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế này.

Và cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng doanh nghiệp nào hoạt động có hiệu quả; có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo… "Đây là việc làm cần thiết; đúng đắn và phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế", ông Đông nói và cho rằng: đáng lý, việc luật hóa các quy định, văn bản pháp luật và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được thực hiện sớm hơn.

Băn khoăn với hộ kinh doanh cá thể

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV này sẽ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 7 tới đây. Nếu được thông qua, ước tính có khoảng 550.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay sẽ có thể được hưởng lợi từ luật này. Tuy nhiên, còn một bộ phận đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước hiện nay với số lượng nhiều hơn cả doanh nghiệp nhỏ và vừa là hộ kinh doanh cá thể với khoảng 5 triệu hộ, thì sao?

Theo ông Lịch, đây cũng là một đối tượng hoạt động kinh doanh chiếm đa số trong nền kinh tế của nước ta. Tại TPHCM, nhiều hộ kinh doanh theo kiểu gia đình nhưng hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đóng vai trò không kém quan trọng, nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Do đó, ông Lịch cho rằng cần xem xét để có thể đưa hộ kinh doanh cá thể vào đối tượng của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.

Góp ý cho dự thảo luật, một số đại biểu cũng thừa nhận hộ kinh doanh cá thể hiện chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế và đang được Nhà nước khuyến khích lên công ty. Do đó, nếu Dự thảo Luật này đưa họ vào một trong đối tượng hỗ trợ thì họ sẽ tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh cá thể.

Một số ý kiến cho rằng luật này cần tập trung về trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực, đối tượng, cách thức, vì vậy không thể dàn trải ra cả 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Thực tế Nhà nước không đủ nguồn lực cả về vật chất và con người để thực hiện việc hỗ trợ cho số lượng lớn đối tượng như vậy và nếu có thì cũng rất dàn trải.

Theo ông Tô Hoài Nam, Nhà nước chỉ tạo cơ chế cho các cá nhân được quyền tự do kinh doanh, sáng tạo, còn việc hỗ trợ cho DNNVV của Nhà nước được xác định chỉ là “lực đẩy”, “bệ phóng” để thúc đẩy năng lực cho DNNVV phát triển, hội nhập. Mặt khác, theo ông Nam, không nên đưa hộ kinh doanh cá thể vào phạm vi điều chỉnh Luật.

Ở Việt Nam, các DNNVV chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp, đang đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách, chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm và quan trọng là đang tạo ra 51% tổng việc làm của Việt Nam. Vai trò của khu vực này trong đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo là đặc biệt quan trọng.


Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm