Mô hình Z-Score kiểm tra tín dụng đo lường khả năng phá sản qua dữ liệu các công ty niêm yết tại Việt Nam

Cập nhật: 09:42 | 13/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Z-Score là mô hình rất hữu ích trong việc nhận diện các công ty có tình hình tài chính lành mạnh và các công ty có nguy cơ. Nhà đầu tư có thể sử dụng để có thể đóng góp thêm cho các đánh giá và phân tích của mình trên các công ty đang theo dõi, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.

Các nhà đầu tư thường xem xét hệ số đòn bẩy tài chính (Financial leverage) để đánh giá tình hình nợ nần của doanh nghiệp từ đó quyết định mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp đó. Tuy nhiên có một chỉ số có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá tốt rủi ro tốt hơn, thậm chí có thể dự đoán được nguy cơ phá sản của doanh nghiệp trong tương lai gần. Đó chính là hệ số nguy cơ phá sản, hay còn gọi là Z-Score do nhà kinh tế học Hoa Kỳ Edward I. Altman thiết lập, áp dụng cho các doanh nghiệp chứ không phải các định chế tài chính (ngân hàng, CTCK).

3406-pha-san

Trong lịch sử tại Hoa Kỳ, chỉ số Z-Score đã dự đoán tương đối chính xác tình hình phá sản của các doanh nghiệp trong tương lai gần. Có khoảng 95% doanh nghiệp phá sản được dự báo nhờ Z-Score trước ngày sập tiệm một năm, nhưng tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 74% cho những dự báo trong 2 năm.

Công thức của Z-Score được xác định qua sự tương quan của việc tăng/giảm các chỉ số tài chính các năm, phản ánh nhiều khía cạnh của BCTC. Chỉ số này được xác định như sau:

Z-Score = 1,2xA1 + 1,4xA2 + 3,3xA3 + 0,6xA4 + 1,0xA5

Trong đó:

A1 = Vốn luân chuyển ( = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn) / Tổng tài sản

A2 = Lợi nhuận chưa phân phối / Tổng tài sản

A3 = EBIT / Tổng tài sản

A4 = Vốn hóa thị trường / Tổng nợ phải trả

A5 = Hiệu quả sử dụng tài sản =Doanh thu / Tổng tài sản

3555-mo-hinh-z-score-1

Diễn giải giá trị Z-Score như sau:

Giá trị Z-Score dưới 1,81: Doanh nghiệp có vấn đề nghiêm trọng về tài chính

Giá trị Z-Score lớn hơn 1,81 và thấp hơn 2,7: Có dấu hiệu cho thấy Doanh nghiệp có thể có vấn đề nghiêm trọng về tài chính trong vòng 2 năm tới.

Giá trị Z-Score lớn hơn 2,7 và thấp hơn 2,99: Doanh nghiệp không có vấn đề trong ngắn hạn, tuy nhiên cần phải xem xét điều kiện tài chính một cách thận trọng.

Z-Score lớn hơn 2,99: Doanh nghiệp có tài chính lành mạnh.

Ứng dụng vào dữ liệu các công ty trên 3 sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam

Sử dụng dữ liệu mới nhất từ TCData của toàn bộ các công ty trên 3 sàn tại Việt Nam theo kỳ BCTC 2021 và 2020, chúng tôi đã tính toán chỉ số Z-score. Loại trừ ngành Ngân hàng và Dịch vụ tài chính, chúng tôi đánh giá riêng Top 5 ngành có vốn hóa lớn nhất là Bất động sản, Thực phẩm và đồ uống, Tài nguyên cơ bản, Điện nước xăng dầu và khí đốt, Hóa chất, còn lại được xếp trong mục khác. Kết quả với gần 1900 công ty thể hiện sự phân tác chỉ số Z-score như sau:

3906-mo-hinh-z-score-2
3918-mo-hinh-z-score-3
Biểu đồ phân tán chỉ số Z-Score theo ngành năm 2020 và 2021

Kết quả hình trên cho thấy đa phần các ngành đều có một tỷ lệ nhất định ở vùng Z-Score thấp hơn 2,99, tức vùng thể hiện tình hình tài chính có dấu hiệu có vấn đề. Ở mức dấu hiệu cao là Z-Score thấp hơn 1,81, ngành Bất động sản cho thấy tỷ trọng chiếm nhiều nhất.

3943-mo-hinh-z-score-4
Biểu đồ nhiệt tỷ trọng chỉ số Z-Score theo các khung đánh giá và theo ngành năm 2020-2021

Hình trên cho thấy tình hình tài chính đã được cải thiện nếu xét trên chỉ số Z-Score, khi tỷ trọng giá trị Z cao đã tăng lên đáng kể ở tất cả các ngành.

Xem riêng ngành BĐS, có tới 62% doanh nghiệp BĐS trên 3 sàn nằm trong vùng dưới 1,81, tức có vấn đề về cơ cấu tài chính (có dầu hiệu có thể bị phá sản). Việc này phần nào được giải thích bằng 2 nguyên nhân: (1) ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình triển khai các dự án và (2) đặc thù có nhiều doanh nghiệp BĐS chủ yếu phụ thuộc vào 1 số lượng nhỏ dự án nhất định và không có kết quả kinh doanh duy trì đều đặn, dẫn đến số liệu tài chính bị ảnh hưởng tiêu cực nếu không nằm trong giai đoạn là chu kỳ ra hàng hoặc ghi nhận lợi nhuận. Tuy nhiên, yếu tố này đã phần nào được cải thiện trong năm 2021 khi tỷ lệ công ty có Z<81 còn chiếm 46%.

Ngành Hóa chất, Thực phẩm đồ uống và Tài nguyên cơ bản đều cho thấy tỷ lệ Doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh ở mức cao nhờ hoạt động kinh doanh duy trì bền và phần nào hưởng lợi khi kinh tế phục hồi sau COVID-19 năm 2021. Trong đó, ngành Hóa chất có thể hiện ấn tượng nhất khi có tới 65% doanh nghiệp đạt Z-Score trên 2,99 năm 2021.

Bài viết nhằm mục tiêu giới thiệu tới độc giả mô hình Z-Score nhằm đánh giá trạng thái tài chính của các Công ty, nhận định rủi ro về khả năng phá sản, áp dụng tính toán cho các số liệu tài chính mới nhất của toàn bộ các công ty niêm yết tại Việt Nam. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đều có sự cải thiện nhất định khi so sánh kết quả 2021 với 2020. Xét về ngành, các doanh nghiệp Bất động sản có trạng thái tài chính theo Z-Score là tiêu cực hơn khi so sánh với các ngành khác. Điều này có thể do đặc thù ngành với một số công ty BĐS quy mô nhỏ quỹ đất hạn chế, trạng thái tài chính phụ thuộc vào chu kỳ khai thác dự án, kết quả duy trì không thực sự bền vững.
Đầu tư hiệu quả và đơn giản theo phương pháp CANSLIM (phần 2)

Nhìn chung, CANSLIM là một phương pháp tương đối hiệu quả, là sự kết hợp đơn giản giữa Phân tích cơ bản (tìm kiếm những ...

Khi nào nên thoát khỏi những cổ phiếu hủy niêm yết?

Theo quy định Luật Chứng khoán, cổ phiếu sẽ bị buộc hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Sản xuất, ...

Làm gì để ‘chữa bệnh’ sợ cắt lỗ, nghiện giao dịch?

Trong giao dịch chứng khoán, không ít nhà đầu tư có “cái tôi” khó chấp nhận rằng mình thua lỗ và hiện thực hóa khoản ...

Trang Nhi

Nguồn TCBS