MBBank đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn

Cập nhật: 10:50 | 21/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - HOSE: MBB) vừa công bố biểu lãi suất mới tăng thêm từ 0,1 đến 0,2 điểm % cho các kỳ hạn từ 1 đến 15 tháng, áp dụng từ ngày 21/5/2024.

Theo dữ liệu từ WiChart, đây là lần đầu tiên ngân hàng MB nâng lãi suất đồng loạt tại nhiều kỳ hạn kể từ cuối năm 2022. Cụ thể, lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 2,5% lên 2,7%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng được MB điều chỉnh tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 4,5%/năm nhích lên 4,6%/năm.

MB tăng lãi suất tiết kiệm
Ảnh: Internet

Đối với các kỳ hạn dài hơn lãi suất được giữ nguyên. Kỳ hạn 18 tháng là 4,6%/năm trong khi kỳ hạn 24 tháng trở lên là 5,6%/năm.

Bên cạnh đó, đối với tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các chi nhánh thuộc miền Trung và miền Nam, biểu lãi suất của MB được nâng thêm khoảng 0,1 điểm %/năm. Với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, khách hàng tại các khu vực trên có thể nhận lãi suất 5,7%/năm.

Ngoài nhóm khách hàng cá nhân, nhà băng này cũng nâng lãi suất tiết kiệm cho nhóm khách hàng tổ chức thêm từ 0,1% - 0,2 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,5%, áp dụng cho tổ chức gửi tiền với kỳ hạn từ 36 tháng trở lên, tại chi nhánh miền Trung và Nam, ngoại trừ TP HCM.

Như vậy, MB là nhà băng tiếp theo tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 5. Trước đó, đã có 17 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng là ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, ngân hàng số Cake by VPBank và gần đây nhất là HDBank. Trong đó có 4 ngân hàng VIB, CB, SeABank và ABBank đã tăng hai lần tăng lãi suất.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Theo giới chuyên môn, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song giới phân tích đánh giá mức tăng sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến. Bên cạnh đó, việc khối ngân hàng quốc doanh – nhóm chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống – vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục cho thấy lãi suất huy động sẽ khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Lãi suất MBBank: Gửi tiết kiệm 500 triệu đồng nhận bao nhiêu tiền lãi?

Theo khảo sát ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) đang triển khai mức lãi suất tiết kiệm trong khoảng 2,1 - 5,6%, tuỳ ...

Lãi suất ngân hàng ACB: Gửi tiết kiệm 500 triệu nhận bao nhiêu tiền lãi?

Theo khảo sát ngày 16/5, lãi suất huy động dành cho hình thức tiết kiệm truyền thống tiếp tục được ngân hàng TMCP Á Châu ...

Từ 16/5, lãi suất tiết kiệm tăng mạnh tại 2 nhà băng này

Bước sang tháng 5, làn sóng điều chỉnh tăng lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra.

Tuệ Nhi