Máy bay tiêu tốn hơn 1,5 tỷ mỗi giờ bay, lặn dưới radar, tiêu diệt mục tiêu từ 200 km mà không bị phát hiện
Đây là máy bay chiến đấu thế hệ năm đầu tiên của thế giới, nổi bật với khả năng tàng hình, siêu cơ động và hệ thống cảm biến hiện đại.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới
F-22 Raptor không chỉ là một mẫu máy bay chiến đấu hiện đại mà còn là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hàng không quân sự thế giới. Đây là máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm đầu tiên được phát triển, khởi đầu cho kỷ nguyên chiến đấu cơ tích hợp tàng hình, siêu cơ động và cảm biến hiện đại.

Được phát triển bởi Lockheed Martin với sự tham gia của Boeing, F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1997 và được đưa vào biên chế Không quân Mỹ từ năm 2005. Dù chương trình sản xuất dừng lại năm 2011 với tổng cộng 187 chiếc hoàn thiện, nhưng cho đến nay, F-22 vẫn được xem là một trong những mẫu chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới.
Triết lý thiết kế của F-22 đi ngược với mọi quy chuẩn trước đó: toàn bộ khung thân, động cơ, khoang vũ khí, thậm chí cả hình dạng cánh đều được tối ưu để đạt hiệu quả tàng hình tối đa – điều chưa từng thấy ở các dòng máy bay tiêm kích tiền nhiệm.
Tàng hình, siêu cơ động và cảm biến vượt trội
Khả năng tàng hình của F-22 Raptor là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh vượt trội của nó. Với lớp vỏ hấp thụ sóng radar, thiết kế cánh liền khối, các cạnh vát và vũ khí được giấu trong thân, F-22 có tiết diện phản xạ radar (RCS) cực nhỏ, giúp nó gần như “vô hình” trước hệ thống radar truyền thống.
Hai động cơ Pratt & Whitney F119 với khả năng điều hướng lực đẩy giúp F-22 thực hiện các động tác bay phức tạp như "Cobra", "J-turn" hay giữ thăng bằng ở tốc độ thấp – những kỹ năng mà rất ít máy bay chiến đấu trên thế giới có thể thực hiện. Đồng thời, khả năng bay siêu âm mà không cần đốt hậu (supercruise) giúp nó áp sát và tiêu diệt mục tiêu mà không bị phát hiện.
Radar AN/APG-77 AESA của F-22 cũng là một trong những cảm biến hàng đầu, với khả năng phát hiện hàng chục mục tiêu ở khoảng cách hơn 200 km mà không phát ra tín hiệu dễ bị bắt. F-22 còn có khả năng chia sẻ dữ liệu chiến thuật với các đơn vị khác, đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy bay trong các nhiệm vụ phối hợp.
Thực chiến thầm lặng và khả năng răn đe
Dù chưa từng tham gia vào một cuộc không chiến đối đầu công khai, F-22 đã được triển khai trong nhiều chiến dịch lớn, bao gồm nhiệm vụ không kích tại Syria hay tuần tra tại các điểm nóng ở châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương. Nhiệm vụ điển hình của F-22 là hộ tống máy bay ném bom tàng hình B-2 hoặc xâm nhập sâu để tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương.

Tại các cuộc tập trận như Red Flag, F-22 thường đạt tỷ lệ "hạ diệt" lý tưởng 100:1 cho thấy hiệu quả chiến đấu cực cao khi đặt trong môi trường mô phỏng thực chiến. Đây cũng là lý do F-22 thường được giao nhiệm vụ mở đầu các chiến dịch không kích quy mô lớn, với mục tiêu phá hủy radar và hệ thống phòng thủ từ xa.
Giá trị chiến lược và giới hạn mở rộng
F-22 có chi phí sản xuất rất cao, dao động từ 150 đến 180 triệu USD/chiếc. Mỗi giờ bay tiêu tốn khoảng 60.000 USD, khiến đây trở thành một trong những máy bay quân sự đắt đỏ nhất hành tinh. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ quyết định dừng chương trình sản xuất và cấm hoàn toàn việc xuất khẩu F-22 để giữ lợi thế công nghệ chiến lược.
Nhiều quốc gia đồng minh thân cận như Nhật Bản, Israel, Úc từng bày tỏ mong muốn sở hữu F-22, nhưng đều bị từ chối – một minh chứng cho việc Washington xem đây là "bảo vật quốc gia".
Dù hiện tại F-35 Lightning II đang trở thành lực lượng nòng cốt trong các phi đội chiến đấu đa nhiệm, F-22 vẫn giữ vai trò chủ lực trong các nhiệm vụ ưu tiên cao, nơi yêu cầu tàng hình và khả năng chiến đấu vượt trội. Các chuyên gia đánh giá rằng F-22 vẫn chưa có đối thủ xứng tầm thực sự cho đến ít nhất năm 2030.