Gia đình:

Mặt trái mẹ bỉm sữa thời 4.0: Xem mạng xã hội là bệnh viện nhi khoa, còn hội chị em là chuyên gia y tế

Cập nhật: 16:50 | 19/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Không biết vì lý do gì, những hội nhóm và diễn đàn phụ nữ trên mạng xã hội lại lấy được lòng tin của những bà mẹ đến mức triệt để như thế. Nhiều thành tựu của ngành y tế đã bị lòng tin bao la của những người mẹ xóa mờ đi...  

xem mang xa hoi la benh vien nhi khoa con hoi chi em la chuyen gia y te Có nên uống nhiều nước trái cây hay không?
xem mang xa hoi la benh vien nhi khoa con hoi chi em la chuyen gia y te 5 điều cần tránh khi cho con uống kháng sinh
xem mang xa hoi la benh vien nhi khoa con hoi chi em la chuyen gia y te Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của nha đam

Bố mẹ tự kê đơn, con gánh hậu quả...

Trên mạng facebook hiện nay, không khó để bắt gặp những status, topic hỏi cách chữa bệnh, chia sẻ đơn thuốc hoặc cách dùng thuốc chẳng hạn như: “Các mẹ cho em hỏi làm thế nào để chữa khỏi ho có đờm cho con. Bé nhà em 8 tháng bị ho có đờm, cho uống siro mà không đỡ”, hay “Con em bị ngạt mũi khó thở, nhỏ thuốc gì để con nhanh khỏi dễ chịu hơn hả các mẹ”... Trên thực tế, có nhiều trường hợp vì mẹ quá tin vào những đơn thuốc, kinh nghiệm được chia sẻ trên mạng mà khiến tình hình của con ngày càng nặng thêm.

Chị T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con đến viện khám trong tình trạng cháu bé xanh xao, khó thở, ho nhiều, trên da xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ. Chị H cho biết, hôm trước thấy con gái húng hắng ho, sổ mũi, nghĩ con bị viêm họng nên chị lên mạng tìm hiểu và ra hàng thuốc gần nhà mua một liều thuốc kháng sinh cho con uống. Nhiều lần con ốm, sốt chị cũng tự ý mua thuốc từ kháng viêm, kháng sinh đến thuốc long đờm, giảm ho cho bé uống và bệnh bé đều đỡ. Thế nhưng lần này đã qua gần 1 tuần uống thuốc mà bệnh chưa có dấu hiệu đỡ.

xem mang xa hoi la benh vien nhi khoa con hoi chi em la chuyen gia y te
Mua thuốc qua mạng đã trở thành thói quen của không ít người nhưng rất dễ gây hại.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ thường có tâm lý chung là sợ thuốc gây hại cho con. Vì thế, nhiều cha mẹ thay vì cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng như bác sỹ kê, họ lại tùy ý giảm liều lượng theo cảm tính, chỉ cho trẻ dùng 1-2 lần/ngày thay vì 3-4 lần. Ngược lại, có những bà mẹ chứng kiến cảnh con ho, chảy mũi, nôn trớ nên đau lòng và sốt ruột, nôn nóng chữa khỏi bệnh cho con nên tự ý tăng liều sử dụng, cho trẻ uống thuốc dồn dập trong 1 ngày. Họ không hề biết rằng, dùng thuốc quá liều có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tại Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), mỗi tháng các bác sĩ thường tiếp nhận vài trường hợp các bé nhập viện do gia đình tự đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây viêm tấy lan rộng, thậm chí tạo thành ổ áp – xe. Có những trường hợp bệnh nhân vào viện khi vết thương đã bị nhiễm trùng huyết, hoại tử, phải cắt bỏ chi vì biến chứng nặng. Đây là những bài học đắt giá, cảnh tỉnh các bậc làm cha, làm mẹ đang có con nhỏ. Cha mẹ tuyệt đối không nên áp dụng những cách trị bệnh chưa được khoa học khẳng định, không nghe theo những kinh nghiệm truyền tai hay tùy ý dùng thuốc cho con mà không có ý kiến của thầy thuốc để tránh những hậu quả khó lường cho con.

Theo BS Phạm Thị Ngọc Lan (Khoa Khám bệnh, BV Nhi TW): "Một điều rất đáng báo động hiện nay là việc các bà mẹ lên mạng học theo cách chữa bệnh, hoặc ra quầy thuốc kể bệnh rồi lấy thuốc về cho con uống, điều này hết sức nguy hiểm, sẽ dẫn đến việc bệnh của trẻ lai rai lâu không khỏi, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh”, BS Lan cảnh báo.

Đa số trẻ nhỏ mắc bệnh cấp tính tức là mắc bệnh nhanh và chữa bệnh cũng nhanh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay có một số phụ huynh khi thấy con bị bệnh lại không đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị mà lên mạng tìm đọc và chữa bệnh cho con theo những kinh nghiệm được chia sẻ trên các diễn đàn, trang mạng. Chỉ đến khi các triệu chứng bệnh của con ngày càng tăng nặng mới chịu đưa con đến bệnh viện, khi đó tình trạng bệnh của trẻ đã nặng và để chữa khỏi cho trẻ là không hề dễ dàng.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho hay, trong thực tế quá trình điều trị hàng chục năm qua cho các bệnh nhi, ông đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, chỉ vì bố mẹ quá tin vào "bác sĩ google" khiến bệnh tình của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng nặng. PGS. Dũng cũng đưa ra khuyến cáo, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, dược sĩ cũng chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không cần đơn thuốc. Còn các thuốc bắt buộc phải kê đơn thì bắt buộc phải có đơn thuốc do bác sĩ kê đủ liều lượng, đủ thời gian...

“Mỗi loại thuốc khi uống vào cơ thể đều phải chuyển hóa qua gan, đào thải qua thận, do đó nếu dùng lâu dài - nhất là thuốc kháng sinh dễ gây hại, chưa kể là bị dị ứng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được phân làm nhiều nhóm, mỗi loại kháng sinh chỉ để tiêu diệt một số loại vi khuẩn nhất định, bệnh nặng hay nhẹ, thuốc uống hay tiêm, thời gian ngắn hay dài, dùng cho phụ nữ khác, người già khác, trẻ em khác… đều do bác sĩ chỉ định. Việc tự ý mua thuốc về uống, tự ý tăng hoặc giảm liều, cắt thuốc sẽ rất nguy hiểm tuy nhìn bề ngoài, người bệnh có thể khỏi về mặt lâm sàng, triệu chứng nhưng thực tế vi khuẩn vẫn còn và bệnh sẽ tái phát, hoặc vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị”- PGS. Dũng nhấn mạnh.

xem mang xa hoi la benh vien nhi khoa con hoi chi em la chuyen gia y te
Khi trẻ đã mắc bệnh, cha mẹ hãy bình tĩnh đưa con đi khám và tuân thủ điều trị.

Đừng biến con mình thành “chuột bạch”

"Các mẹ ơi giúp em với…" - Đó chính là câu mở đầu thường thấy của những mẹ bỉm sữa khi muốn thăm hỏi một vấn đề sức khỏe con trẻ nào đó trong các diễn đàn hội nhóm phụ nữ. Con sốt 3 ngày, có chị hỏi phải làm thế nào vì không muốn cho con dùng kháng sinh; con mắc bệnh lạ về da liễu các chị cũng chụp ảnh rồi đăng đàn xin ý kiến; con ăn uống không tiêu, bụng phình to như quả bưởi các chị cũng phải hỏi trước cái đã rồi mới tính chuyện chạy chữa cho con sau... Mọi thứ, mọi căn bệnh của con trẻ chị em nghĩ mạng xã hội đều có thể giúp giải quyết được, và thậm chí là hơn hẳn những cơ sở y tế đang có thật tồn tại ngoài kia?

Có mẹ đăng bài vào các hội nhóm, đợi chờ admin duyệt, thời gian có thể kéo dài 5 phút, 10 phút, 1 tiếng hay có khi là cả một ngày, rồi tiếp tục công cuộc chờ mọi người cho ý kiến, xong còn bình luận giao đãi qua lại, thời gian cứ thế kéo dài ra. Bằng cách nào đó, các hội nhóm phụ nữ trên mạng xã hội và những lời khuyên nhủ bàn tán của cộng đồng chị em đã làm một số bà mẹ đánh mất đi sự nhạy cảm và tình yêu đầy bản năng của một người mẹ dành cho con mình. Trong những lúc đó, một số bà mẹ trẻ thay vì đưa ngay con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám thì lại chụp ảnh và đăng đàn hỏi, chờ đợi miệt mài. Đứa trẻ nằm đó, đợi chờ…

Chưa kể, sau khi có ý kiến khuyên nhủ hoặc hàng chục bài thuốc dân gian được những nickname mạng xã hội xa lạ nửa thật nửa ảo sẻ chia, người mẹ còn vô tình biến con mình thành "chuột bạch". Nhiều thành tựu của ngành y tế đã bị lòng tin mù quáng của những người mẹ xóa mờ đi như thế... Không biết vì lý do gì, những hội nhóm và diễn đàn phụ nữ trên mạng xã hội lại lấy được lòng tin của những bà mẹ đến mức triệt để như thế. Ai bày gì cũng tin, ai cho ý kiến khuyên nhủ gì cũng gật gù tâm đắc, những bài thuốc dân gian hay các mẹo vặt có phần tâm linh huyền ảo các mẹ cũng làm theo răm rắp, áp dụng cho con mình.

Chỉ một sai sót nhỏ thôi hay trễ vài giờ thôi, tính mạng của con có thể đã bị đe dọa, những câu chuyện như thế đâu phải hiếm, cũng đâu phải là chưa xảy ra bao giờ. Không phải tự nhiên người ta cần phải phát minh ra những máy móc để phục vụ cho ngành y tế, từ xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT)... cũng không phải tự nhiên mà ngành y tuyển đầu vào với mức điểm cao ngất ngưởng mà lại học 6 năm mới tốt nghiệp và cần thêm 3 năm đào tạo nữa mới có thể trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Cơ thể con người là một "kiệt tác", đến bác sĩ với sự trợ giúp của máy móc hiện đại kia đôi khi còn chuẩn đoán lầm, vậy thì chẳng có lý do gì để tin tuyệt đối vào những ý kiến góp ý, những bài thuốc truyền miệng dân gian (mà độ đúng sai còn đang phải bàn cãi) để tự tin áp dụng chúng lên chính con mình. Mẹ nào mà chẳng yêu con, nhưng yêu con theo kiểu ấu trĩ thì chỉ có hại con. Vì vậy, các phụ huynh đừng tự biến mình thành những người mẹ như thế, hãy tỉnh táo, thông minh và tách bạch rõ ràng giữa mạng xã hội ảo thời 4.0 và những cơ sở y tế có thật ngoài kia, cùng đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng trợ giúp con trẻ bất kỳ lúc nào.

Trang Nhi