Masan Consumer (MCH): Ngày lên HoSE không còn xa
Masan Consumer thu về gần 3.268 tỷ đồng từ đợt chào bán hơn 326 triệu cổ phiếu MCH, tiến gần hơn tới việc niêm yết sàn HoSE trong năm 2025. Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu 2025 đạt 35.500 tỷ đồng, tăng trưởng hai chữ số.
Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – UPCoM: MCH) vừa công bố đã hoàn tất đợt chào bán hơn 326,8 triệu cổ phiếu ra công chúng vào ngày 25/3. Dự kiến, cổ phiếu sẽ được chuyển giao vào ngày 4/4 tới.

Sau phát hành, vốn điều lệ của MCH tăng lên khoảng 10.624 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,06 tỷ cổ phiếu lưu hành. Với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, công ty dự kiến thu về gần 3.268 tỷ đồng sau khi khấu trừ chi phí liên quan như kiểm toán, tư vấn và chuyển tiền. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng cho các mục đích tài chính như thanh toán nợ vay và chi phí thuê văn phòng.
Đáng chú ý, đợt chào bán thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Trong tổng số 2.332 nhà đầu tư tham gia, có 2.185 cá nhân và tổ chức trong nước mua vào hơn 169,9 triệu cổ phiếu, chiếm 51,991% tổng số phát hành. Trong khi đó, 147 nhà đầu tư nước ngoài được phân phối gần 156,9 triệu cổ phiếu, tương đương 48,009%.
Ngoài ra, phần cổ phiếu còn lại khoảng 547.000 đơn vị được tiếp tục phân phối cho bà Nguyễn Phương Uyên.

Sau phát hành, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư trong nước tăng lên 83,363%, trong khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 16,637%. Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Masan Consumer Holdings – công ty mẹ – đã giảm tỷ lệ nắm giữ từ hơn 90% xuống còn 69,712% (gần 740,6 triệu cổ phiếu), do chỉ mua vào hơn 69,2 triệu cổ phiếu trong đợt này.
Động thái này được cho là bước chuẩn bị cho kế hoạch chuyển niêm yết từ UPCoM sang HoSE. Theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, doanh nghiệp muốn niêm yết trên HoSE phải có ít nhất 20% cổ phần được nắm giữ bởi tối thiểu 300 cổ đông không phải cổ đông lớn. Với cơ cấu hiện tại, MCH đã tiệm cận đủ điều kiện để thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, trong tháng 3, MCH đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và nhận được sự đồng thuận về việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM để chuyển sang HoSE. Hội đồng quản trị được ủy quyền quyết định thời điểm thực hiện cũng như hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 7/2, ông Michael Hung Nguyen – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan – khẳng định công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch lên HoSE trong năm 2025, tùy điều kiện thị trường. Ông Michael bày tỏ kỳ vọng việc niêm yết sẽ giúp MCH linh hoạt hơn về tài chính, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức và khẳng định vị thế trong hệ sinh thái Masan với vai trò là công ty tiêu dùng độc lập.
Masan Consumer được thành lập năm 2000, ban đầu hoạt động chủ yếu trong mảng gia vị. Hiện tại, doanh nghiệp đã mở rộng ra 8 ngành hàng tiêu dùng chủ lực tại Việt Nam. Trong đó, 5 thương hiệu có doanh thu vượt 2.000 tỷ đồng mỗi năm bao gồm: Chin-su, nước mắm Nam Ngư, mì ăn liền Omachi, Kokomi và nước tăng lực 247.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, MCH ghi nhận doanh thu gần 30.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 7.920 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay, tăng hơn 10% so với năm trước.

Bước sang năm 2025, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ở mức hai chữ số, dao động từ 10–15%, tương đương khoảng 33.500–35.500 tỷ đồng. Kỳ vọng tăng trưởng được đặt vào các động lực chiến lược, đặc biệt là việc triển khai nền tảng chuỗi cung ứng kỹ thuật số mang tên "Retail Supreme". Hệ thống này hướng tới mục tiêu số hóa chuỗi bán lẻ truyền thống, tối ưu quá trình cung ứng, sản xuất – phân phối, đồng thời tăng năng suất bán hàng và hiệu quả đầu tư tiếp thị.
Với đà tăng trưởng ổn định, cơ cấu sở hữu được mở rộng và kế hoạch lên HoSE rõ ràng, MCH đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, hứa hẹn tiếp tục là một trong những đầu tàu của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam.