"Ma trận" lãi suất và phí, cần cẩn trọng khi vay tiêu dùng (Bài 1): Tăng trưởng ấn tượng
Vay tiêu dùng tại Việt Nam đang âm thầm tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành mảng tín dụng quan trọng. Hàng chục triệu người đã tiếp cận vốn vay tiêu dùng bởi phương thức nhanh gọn, tiện ích. Nhưng đi kèm sự dễ dàng là một cái giá đắt nếu không nghiên cứu kỹ và rà soát kỹ các mức lãi suất và phí liên quan tới khoản vay.
Quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng
Thị trường vay tiêu dùng Việt Nam những năm gần đây đã phát triển vượt bậc cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến giữa năm 2024, tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng (113,44 triệu USD), chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế và có xu hướng tăng qua các năm.

Số lượng các tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng cũng đang tăng lên. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân của tín dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Quy mô người vay tiêu dùng cũng rất lớn. Ước tính đến năm 2023, các công ty tài chính tiêu dùng đã hỗ trợ khoảng 30 triệu lượt người tiếp cận vốn vay, với dư nợ bình quân 35–50 triệu đồng mỗi người. Con số này cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng của người dân khá phổ biến và tiếp tục gia tăng.
Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, phản ánh tiềm năng thị trường còn dồi dào. Thậm chí, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với GDP Việt Nam vẫn ở mức thấp (chỉ khoảng 28,5% GDP cuối 2023) so với các nước trong khu vực như Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc…Điều này cho thấy dư địa phát triển cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn trong tương lai.
Trong bức tranh chung của vay tiêu dùng, các công ty tài chính tiêu dùng (CTTC) tuy chỉ chiếm một phần nhỏ về thị phần dư nợ nhưng giữ vai trò then chốt trong việc đưa vốn đến đúng đối tượng cần. Hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Nhóm CTTC này đang quản lý khoảng 4,8% tổng dư nợ vay tiêu dùng (khoảng 138–150 nghìn tỷ đồng), phần còn lại 94% do các ngân hàng thương mại cung ứng (chủ yếu dưới dạng các khoản vay mua nhà, mua ô tô, thẻ tín dụng…).
Dù tỷ trọng chỉ chiếm vài phần trăm dư nợ, các công ty tài chính lại phục vụ phân khúc khách hàng rất rộng lớn, chủ yếu là người thu nhập trung bình và thấp, không có tài sản đảm bảo. Họ đóng vai trò như “cánh tay nối dài” đem tín dụng chính thức đến với người dân không đủ điều kiện vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Hiện nay FE Credit - Tiền thân khối tín dụng tiêu dùng thuộc VPBank vẫn là công ty lớn nhất trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng về dư nợ cho vay với thị phần chiếm khoảng 29%.
Tiếp đến là Home Credit (được Tập đoàn Krungsri – Thái Lan mua lại) giữ vị trí thứ hai thị trường với khoảng 14% thị phần. HD SAISON (liên doanh giữa HDBank và Credit Saison Nhật Bản) xếp thứ ba với khoảng 10% thị phần, nổi bật nhờ mảng cho vay mua xe máy chiếm tới 36% thị phần thị trường xe hai bánh.
MCredit (liên doanh MB Bank và Shinsei Bank) dù thị phần khoảng 9% nhưng đang vươn lên nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng dư nợ 32,4% trong năm 2024 – thuộc hàng cao nhất ngành.
Các công ty khác như Mirae Asset Finance, Shinhan Finance, Lotte Finance, Shinhan VN Finance… cũng góp phần làm thị trường thêm sôi động, cung cấp đa dạng sản phẩm vay trả góp, thẻ tín dụng, vay tiền mặt cho người tiêu dùng.
Nhìn chung, nhóm công ty tài chính tiêu dùng đã và đang trở thành kênh dẫn vốn tiêu dùng quan trọng. Họ giúp người dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay nhỏ phục vụ đời sống – từ mua xe máy, điện thoại, đồ gia dụng cho đến vay tiền mặt chi tiêu hàng ngày.
Lãi suất không đơn giản như quảng cáo
Do đặc thù cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo) và phục vụ nhóm khách hàng rủi ro cao, lãi suất vay tiêu dùng tại Việt Nam ở mức khá cao so với các loại hình tín dụng khác. Các khoản vay qua công ty tài chính thường có lãi suất phổ biến từ 20% đến 30%/năm, chưa kể các loại phí như phí bảo hiểm, phí thu hộ. Một khoản vay 20 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng tại công ty tài chính có thể khiến người vay phải trả tổng cộng khoảng 26 triệu đồng cả gốc lẫn lãi và phụ phí. Trong khi đó, vay tiêu dùng qua ngân hàng (ví dụ vay thẻ tín dụng, vay cá nhân) lãi suất “dễ thở” hơn nhưng cũng thường xấp xỉ hoặc trên dưới 20%/năm.

Việc vay tiền tại công ty tài chính hiện nay diễn ra khá đơn giản. Hiện nay người dùng có thể tiếp cận khoản vay tại công ty tài chính qua ba hình thức chính: vay tiền mặt, vay trả góp hàng hóa và vay online qua ứng dụng. Trong đó hình thức phổ biến nhất là vay tiền mặt không cần tài sản thế chấp. Người vay chỉ cần cung cấp căn cước công dân, sổ hộ khẩu và đôi khi thêm sao kê lương hoặc hợp đồng lao động. Số tiền vay thường dao động từ 10 đến 70 triệu đồng, kỳ hạn trả góp linh hoạt trong vòng 6 đến 36 tháng.
Một hình thức khác là vay trả góp hàng hóa tại các cửa hàng điện máy, xe máy hoặc điện thoại di động. Người tiêu dùng chỉ cần thanh toán trước một phần nhỏ giá trị sản phẩm, phần còn lại sẽ trả dần qua công ty tài chính. Ngoài ra, hình thức vay online qua các ứng dụng tài chính cũng đang nở rộ, cho phép đăng ký, xét duyệt và giải ngân mà không cần gặp mặt trực tiếp. Vay online qua ứng dụng là hình thức đang nở rộ với nhiều app tài chính tự xét duyệt hồ sơ trong vài phút.
Tuy nhiên lãi suất là điểm dễ gây hiểu nhầm nhất. Một khoản vay với lãi suất được quảng cáo chỉ “2%/tháng” thậm chí là “0% lãi suất” tưởng như chấp nhận được nhưng thực tế, nếu cộng tất cả các khoản phí liên quan, mức lãi suất hiệu quả (APR) có thể lên tới vài chục %. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới từng nhận định, nhiều công ty tài chính tại Việt Nam áp dụng mô hình "lãi suất kép" thông qua các loại phí, khiến người vay không lường trước được tổng nghĩa vụ trả nợ.
Khác với ngân hàng nơi có chuẩn mực rõ ràng và giám sát chặt, không ít công ty tài chính, các app cho vay đang vận hành trong "vùng xám" của thị trường, nơi mà hợp đồng dài hàng chục trang, đầy những điều khoản dễ bị bỏ qua. Phí bảo hiểm khoản vay, phí quản lý tín dụng, phí trả nợ trước hạn… là những thứ mà không phải ai cũng đọc và hiểu.
Vay dễ, hệ lụy không nhỏ
Không chỉ chịu áp lực lãi suất, nhiều người vay và cả những người thân quen của họ còn rơi vào cảnh bị khủng hoảng tinh thần dưới nhiều hình thức, nếu trả chậm khoản vay.
Các vụ việc thu hồi nợ theo kiểu "khủng bố tinh thần" không còn là chuyện hiếm. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng từng cảnh báo nhiều trường hợp công ty tài chính hoặc đối tác đòi nợ thuê đã vượt qua ranh giới pháp luật, sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, gọi điện liên tục, gây áp lực lớn tới người vay và gia đình.
Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những lời than thở, cầu cứu vì khoản vay vài chục triệu bỗng trở thành gánh nặng không lối thoát. Thậm chí có người tìm đến các nhóm “tín dụng đen” để trả nợ công ty tài chính – một vòng luẩn quẩn dễ đẩy người vay đến vòng xoáy nợ nần.
Trong các số tiếp theo, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam sẽ phản ánh về tình trạng cho vay với lãi suất và phí cao tại một số công ty tài chính và các app cho vay để người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình tìm các khoản vay.