Lý do nào khiến cổ phiếu APG được khối ngoại săn đón?
Cổ phiếu APG thu hút mạnh sự quan tâm của khối ngoại khi liên tục mua ròng trong nhiều phiên, giữa bối cảnh doanh nghiệp bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện.
Cổ phiếu APG của Công ty CP Chứng khoán APG đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài với hoạt động mua ròng liên tục trong nhiều phiên, giữa bối cảnh cổ phiếu này đã tăng giá hơn 55% từ đầu năm 2025 và doanh nghiệp bước vào giai đoạn tái cấu trúc chiến lược.

Dữ liệu giao dịch ghi nhận, chỉ trong ba phiên 24/3, 25/3 và 27/3, khối ngoại đã mua thêm tổng cộng hơn 8,67 triệu cổ phiếu APG, trong đó riêng hai phiên đầu có tới hơn 7 triệu cổ phiếu được giao dịch qua thỏa thuận. Trong phiên 31/3, xu hướng gom hàng tiếp diễn với hơn 900.000 cổ phiếu APG được khối ngoại mua ròng qua khớp lệnh.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại APG đã tiệm cận 10% vốn điều lệ, tương đương khoảng 230 tỷ đồng, cho thấy sự quan tâm gia tăng đáng kể từ khối ngoại đối với doanh nghiệp này.
Động thái gom mạnh cổ phiếu APG của nhà đầu tư ngoại diễn ra đồng thời với thông tin doanh nghiệp này có thể sắp đón cổ đông chiến lược nước ngoài. Cụ thể, APG đã thông qua kế hoạch vay vốn tới 16 triệu USD (khoảng 300 tỷ đồng) từ một tổ chức/quỹ đầu tư nước ngoài nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.
Đây được xem là bước đi mang tính chiến lược trong quá trình tái cấu trúc toàn diện mà APG khởi động từ cuối năm 2024, với mục tiêu từng bước khôi phục hiệu quả tài chính và mở rộng hoạt động đầu tư – quản lý tài sản.
Trước đó, APG đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần thứ hai, đồng thời bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022–2026. Song song với thay đổi nhân sự cấp cao, công ty cũng tiến hành cơ cấu lại danh mục tự doanh, bao gồm thoái vốn khỏi các khoản đầu tư như GKM và LDP, dẫn đến lỗ quý 4/2024 lên tới 51 tỷ đồng và lỗ lũy kế cả năm gần 150 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh âm khiến HOSE quyết định đưa APG vào diện không được cấp margin, do lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2024 âm theo quy định hiện hành.
Theo giải trình của APG, nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh bết bát là do giảm đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL, đồng thời gia tăng lỗ từ bán tài sản tài chính FVTPL trong năm 2024. Đây là các khoản đầu tư tự doanh bị biến động tiêu cực về giá trị, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của công ty.
Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh vi phạm về sử dụng vốn trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, APG đã không thực hiện đúng phương án sử dụng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào ngày 15/4/2023 và Nghị quyết HĐQT ngày 30/10/2023. Số vốn thu về từ đợt phát hành riêng lẻ là 770 tỷ đồng, nhưng không được triển khai đúng mục đích đã đăng ký và báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo quy định, trong trường hợp có yêu cầu từ nhà đầu tư, APG buộc phải hoàn trả tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc kèm theo lãi phát sinh, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cổ đông.
Về dài hạn, APG định hướng trở thành một công ty chứng khoán hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp giải pháp đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam. Giai đoạn 2025–2030, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu gần 1.680 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 838 tỷ đồng.