Luật Dầu khí (sửa đổi): Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tự chủ năng lượng

Cập nhật: 09:35 | 05/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc xây dựng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội: Xử lý nợ xấu không thể trông chờ mãi vào biện pháp bao cấp của Nhà nước

Hoạt đông tự doanh chứng khoán, những điều nhà đầu tư cần biết

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Kiểm soát chặt việc sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN từ ngân sách nhà nước

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương, 64 điều. Dự luật trình lần này kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí và hiệp định đã ký kết.

Dự án Luật cũng bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

3425-luatdaukhi
Ảnh minh họa

"Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15).

Thứ nhất: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí. Thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng; thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí (Điều 24).

Thứ hai: Chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Bổ sung quy định về phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (khoản 1 Điều 38). Điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí/kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí.

Thứ ba: Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Thứ tư: Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí. Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành.

Thứ năm: Chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí.

Thứ sáu: Chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Tán thành với việc sửa đổi Luật Dầu khí, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý một số vấn đề lớn đối với quá trình sửa đổi Luật Dầu khí. Đơn cử, trường hợp dự án dầu khí là dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy đây là quy định mới, chưa có đánh giá tác động cụ thể, chưa bảo đảm tính đồng bộ trong quan điểm tiếp cận đối với hoạt động đầu tư dầu khí là hoạt động có tính đặc thù và khác với Luật Đầu tư đã phân biệt giữa thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Dầu khí; chưa có quy định về quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng dầu khí và các nội dung khác có liên quan đến triển khai hoạt động đầu tư dầu khí đối với các dự án dầu khí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ nội dung này và chỉnh sửa theo hướng những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, không phân biệt dự án theo tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; đồng thời, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật về trường hợp này.

Một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật khác có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhất là điều kiện về "đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu", quy định về "liên danh với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu thầu".

Rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về phương pháp và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu; hủy thầu; xử lý tình huống lựa chọn nhà thầu; cấm tham gia dự thầu trong hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan.

Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, khả thi...

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm