Lợi nhuận Vietcombank ước tính đạt 7.000 tỷ đồng trong quý I/2021

Cập nhật: 16:18 | 05/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong quý I/2021 ước đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 28% kế hoạch năm.

0912-vcb54
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Chia sẻ với báo chí mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết trong quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 28% kế hoạch năm (25.200 tỷ đồng).

Với kết quả này, ông Thành tự tin mục tiêu lợi nhuận năm 2021 ở trong tầm tay. Bên cạnh đó, ngân hàng còn nguồn lợi nhuận từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD và sẽ hạch toán dần từng năm.

"Chưa kể, nếu Vietcombank thoái vốn khỏi Eximbank và MB thì lợi nhuận đem về có thể lên tới con số nghìn tỷ", vị chủ tịch chia sẻ.

Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank 3,7%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm.

Trong năm 2021, Vietcombank được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5%, cao nhất trong khối ngân hàng quốc doanh (chỉ khoảng 6 - 7,5%).

Theo ông Thành, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên khả năng tăng tín dụng, nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên, nợ xấu thấp. tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi đa số các ngân hàng khác đều trên 90%.

Với kết quả tăng tín dụng 3 tháng đầu năm, ông Thành tự tin nếu NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Vietcombank có thể tăng tín dụng 14%.

Chủ tịch Vietcombank cũng chia sẻ thêm, trong thời gian qua, Vietcombank có 3 trụ cột tăng trưởng chính đó là tiền giá rẻ, bán lẻ và thu dịch vụ.

Với trụ cột đầu tiên, hiện nay Vietcombank đã dẫn đầu hệ thống về quy mô nguồn tiền giá rẻ (bao gồm tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiền gửi lãi suất thấp) và đang tiếp tăng thêm trong 3 tháng đầu năm.

Về trụ cột thứ hai, chiến lược bán lẻ được Vietcombank khởi động từ năm 2013 khi vẫn còn là ngân hàng bán buôn, tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp chiếm tới 80%.

Ông Thành chia sẻ rằng khi ngân hàng đặt mục tiêu đứng đầu bán lẻ, "nhiều người cảm thấy buồn cười" vì nhắc tới Vietcombank là nhắc tới bán buôn, thanh toán quốc tế...

Tuy nhiên, sau 6 năm, Vietcombank đã chuyển dịch mạnh mẽ từ ngân hàng bán buôn sang ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường, tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ đã tăng lên 54%.

Trụ cột thứ 3 là thu dịch vụ, mảng này đã tăng nhanh trong thời gian qua, hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.

Sửa đổi thông tư 01, ngân hàng có "dễ thở" hơn?

Theo Thông tư sửa đổi, các ngân hàng có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và có cơ sở ...

So sánh lãi suất tiết kiệm nhóm "Big 4" ngân hàng nhà nước tháng 4/2021

Tháng 4/2021, các ông lớn ngân hàng bao gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank vẫn duy trì biểu lãi suất huy động vốn đã được ...

Lãi suất tiết kiệm Vietcombank mới nhất tháng 4/2021

Biểu lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cập nhật mới nhất trong tháng 4 này nhìn chung tiếp ...

PV