Lợi nhuận tăng vọt nhờ 2 triệu USD 'cổ tức ngoại', doanh nghiệp họ EVN vượt xa kế hoạch chỉ sau 6 tháng
Chỉ 32 lao động và doanh thu chưa đến 3 tỷ đồng trong 6 tháng, doanh nghiệp họ EVN bất ngờ báo lãi gần 42 tỷ đồng nhờ 2 triệu USD cổ tức từ một dự án thủy điện tại Campuchia.
"Cổ tức ngoại" giúp lợi nhuận tăng vọt
Theo báo cáo tài chính quý 2/2025, Công ty CP EVN Quốc tế (UPCoM: EIC) chỉ ghi nhận 816 triệu đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (3,79 tỷ đồng). Giá vốn hàng bán chiếm hơn 600 triệu đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 215 triệu đồng, tương ứng biên lãi gộp 26%.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nằm ở phần doanh thu tài chính, đạt hơn 53,1 tỷ đồng trong quý 2, gấp đôi so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính của EVNI đạt hơn 54,2 tỷ đồng – chiếm tới 95% tổng thu nhập của doanh nghiệp.

Giải trình về con số này, EVN Quốc tế cho biết khoản thu chủ yếu đến từ cổ tức 2 triệu USD nhận được từ Công ty TNHH Thủy điện Hạ Sê San 2 – một dự án do EVNI góp 10% vốn. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp chỉ nhận được 1 triệu USD từ dự án này.
Công ty TNHH Thủy điện Hạ Sê San 2 là chủ đầu tư dự án thủy điện cùng tên tại tỉnh Stung Treng, Campuchia, với công suất 400 MW theo hình thức BOT. Ngoài nhà máy điện, dự án còn bao gồm đường dây truyền tải 230 kV dài hơn 70 km kết nối tới trạm biến áp Strung Treng. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1 tỷ USD.
EVNI hiện nắm giữ 10% vốn tại doanh nghiệp này, và phần cổ tức từ hoạt động vận hành của nhà máy đã trở thành nguồn thu ổn định – thậm chí là chủ yếu – cho doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây.
Ít người, lãi lớn, mỗi nhân viên tạo hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận
Theo báo cáo thường niên gần nhất, EVN Quốc tế chỉ có 32 nhân sự. Tính trung bình, mỗi nhân viên đã tạo ra hơn 1,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Cũng nhờ khoản cổ tức đặc biệt này, EVNI đã hoàn thành 126% kế hoạch lợi nhuận năm 2025, trong khi mới chỉ đi qua nửa chặng đường. Cụ thể, doanh nghiệp đặt mục tiêu 33,3 tỷ đồng lãi sau thuế cho cả năm, cùng với doanh thu 62,3 tỷ đồng.

EVN Quốc tế được thành lập năm 2008 tại Đà Nẵng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật, sản xuất điện năng và quản lý dự án. Các cổ đông lớn hiện nay bao gồm:
Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1): 26,05%;
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại: 19,30%;
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: 11,78%;
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank): 10,31%;
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power): 7,69%;
Vinaconex: 5,83%.
HĐQT EVN Quốc tế gồm Chủ tịch Trương Quang Minh và 04 thành viên. Ông Minh cùng Tổng giám đốc Lê Vũ Ninh là những người đại diện phần vốn cho EVNGENCO1.
Dòng tiền kinh doanh vẫn âm
Bức tranh tài chính của EVNI không hoàn toàn màu hồng. Mặc dù lợi nhuận kế toán tăng mạnh, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm 4,83 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (cùng kỳ 2024 là âm 6,48 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng hàng tồn kho (gần 3 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu và các khoản chi ngoài hoạt động kinh doanh. Điều này phản ánh thực tế, lợi nhuận kế toán không đồng nghĩa với dòng tiền thật, và nếu tình trạng này kéo dài, có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán trong dài hạn.

Trong kỳ, EVNI chi 64 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính như cho vay và mua công cụ nợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng thu về 45,5 tỷ đồng từ cổ tức và lãi vay, giúp dòng tiền đầu tư dương 4,7 tỷ đồng.
Ngược lại, dòng tiền từ hoạt động tài chính tiếp tục âm, chủ yếu do chi trả cổ tức hơn 1 tỷ đồng, trong khi không huy động thêm vốn hay vay nợ mới.
Tính đến cuối quý 2/2025, tổng tài sản EVNI đạt 465,5 tỷ đồng, tăng gần 42 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 92%, với lợi nhuận chưa phân phối 63 tỷ đồng – phần lớn là lợi nhuận lũy kế kỳ này.