Lợi nhuận quý I ngành ngân hàng được dự báo sẽ phân hóa mạnh, thách thức còn ở phía trước

Cập nhật: 15:22 | 10/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Theo dự báo, lợi nhuận các nhà băng sẽ có sự phân hóa rõ rệt trong quý I/2024. Nhiều đơn vị có mức tăng trưởng cao, tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có ngân hàng có mức tăng trưởng thấp, thậm chí là “đi lùi” so với cùng kỳ hoặc lỗ.

Là ngân hàng đầu tiên công bố chi tiết kết quả kinh doanh quý đầu năm, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý I đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thu nhập hoạt động của SeABank đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%, trong khi tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý I ngành ngân hàng được dự báo sẽ phân hóa mạnh, thách thức còn ở phía trước
Hình minh họa.

Mặc dù chưa công bố chính thức, song một số ngân hàng cũng đã tiết lộ kết quả kinh doanh sơ bộ quý đầu năm 2024 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Cụ thể, ngày 4/4 vừa qua, tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh trong quý vừa qua, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB cho biết, kết thúc quý I, tăng trưởng tín dụng tại ACB đạt 3,7%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng toàn ngành và cũng tốt hơn cùng kỳ. Huy động vốn tăng trưởng 2,1% trong đó huy động vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi) tăng 6,4%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên mức hơn 23%.

Lợi nhuận quý I của ACB dự kiến 4.900 tỷ đồng, mức này có giảm nhẹ, lý do là do trích lập dự phòng và có khoản thu bất thường từ xử lý nợ.

Trước đó, ngày 2/4, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, lợi nhuận quý I/2024 của VIB là 2.600 tỷ đồng trước thuế, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ với báo chí, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt khoảng 4,6%; huy động vốn cũng tăng khoảng 5%.

Ông Tùng cho biết lợi nhuận OCB trong quý I/2024 đạt khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng trước thuế (trong quý I/2023, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022).

Với các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2024, song mới đây, Chứng khoán MBS đã đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng theo dõi, qua đó nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý đầu năm sẽ phân hóa rõ nét, nhiều nhà băng sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng nhờ tín dụng tăng trưởng trong kỳ. Trong khi đó, một số ngân hàng được MBS dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Cụ thể như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi nhuận sau thuế quý I/2024 được dự phóng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ có việc giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Hay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng trưởng tín dụng quý I/2024 đạt 5%. NIM sẽ đi ngang so với quý IV/2023 đạt 2,9%. Thu nhập ngoài lãi tăng 12% nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu phí.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được dự báo lợi nhuận tăng nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 4% so với cuối năm 2023, NIM đi ngang so với quý IV/2023 đạt 3,6%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 được dự báo tăng khoảng 5% so với cuối năm 2023. NIM sẽ đi ngang so với quý IV/2023 đạt 4,3%. Thu ngoài lãi dự kiến sẽ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Chi phí trích lập được dự báo tăng trưởng 10% so với quý I/2023.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, tăng trưởng tín dụng và nợ xấu là hai yếu tố chính tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế cùng với tác động từ cách thức điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo đó, nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi, thì nợ xấu sẽ giảm và tăng trưởng tín dụng khả quan, tác động tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024. Nếu ngược lại, thì sẽ còn khó khăn.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế, cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn ở năm 2024.

Theo đó, trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có bộ “đệm” mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay, sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận 18-20%.

Giới phân tích tài chính cho rằng, thời gian qua, dù ngành ngân hàng có những bước đệm trong việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu, giảm cho vay vào lĩnh vực rủi ro, nhưng đến khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực (từ tháng 6/2024), thì các khoản nợ đang được cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại nợ và nợ xấu có thể xuất hiện nhiều hơn. Điều này đòi hỏi ngân hàng xuất quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, lợi nhuận vì thế cũng sẽ bị bào mòn hơn.

Một công ty chứng khoán báo tin vui trước thềm ĐHCĐ, sẽ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 55-80% lợi nhuận sau thuế hàng năm

Công ty Chứng khoán TP. HCM - HSC (Mã HCM) công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2024 dự kiến trình đại hội kế ...

Tín dụng hồi phục, lợi nhuận quý I ngành ngân hàng liệu có khả quan?

Theo giới chuyên gia, lợi nhuận các ngân hàng trong quý I/2024 sẽ tăng trưởng khả quan nhờ tín dụng trong tháng 3 đã phục ...

Cao Hậu

Tin cũ hơn
Xem thêm