Lợi nhuận doanh nghiệp dược phẩm phân hóa mạnh đợt cao điểm Covid-19

Cập nhật: 11:08 | 26/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Kết thúc quý III/2021 - quý bị tác động mạnh nhất bởi dịch Covid-19, cho thấy kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp dược phẩm phân hóa rõ rệt.

Chứng khoán phiên sáng 26/10: VN-Index lấy lại sắc xanh sau nhịp bán mạnh đầu phiên

Tin tức doanh nghiệp nổi bật ngày 26/10/2021: NTL, SSH, SBH, VGT, PC1, APS, NTP

Tin tức chứng khoán mới nhất 9h00’ hôm nay 26/10/2021: TDH, VIB, DPM, NLG, GEX

Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế, chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với quý 2.

Đơn cử CTCP Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (Mã: DMC) đạt gần 388 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng 44%, lên mức 39 tỷ đồng.

Domesco cho biết, kết quả trên có được là nhờ chiến lược của công ty khi đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới hỗ trợ điều trị và phòng chống Covid-19. Trên trang web, doanh nghiệp này giới thiệu các sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, kính chống giọt bắn, nước muối sinh lý, nước rửa tay khô, cồn... Hồi cuối tháng 8, doanh nghiệp dược này cho biết được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận nhập khẩu một số loại thuốc kháng sinh và một số loại thuốc sinh học bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm y tế...

Cũng tận dụng cơ hội từ Covid-19, Domesco mở rộng danh mục sản phẩm, trong đó có các sản phẩm đặc trị mà công ty có thế mạnh. Với lợi thế có hệ thống phân phối trực tiếp khắp cả nước, chiến lược này giúp công ty đạt được mức tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn áp dụng giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh, thành.

5532-y-ty
Kết quả kinh doanh quý 3/2021 của Y Tế Domesco

Ngoài ra, Domesco giảm được 12% chi phí bán hàng và quản lý so cùng kỳ. Khoản tiền này bù đắp các chi phí phát sinh để đảm bảo sản xuất và kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG), CTCP Traphaco (Mã: TRA) hay CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số.

Doanh thu Dược Hậu Giang tăng 8% so cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng 21%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang đạt hơn 3.269 tỷ doanh thu và 606 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 16% và 14,5% so với 9 tháng đầu năm 2020. So với kế hoạch 2021, Dược Hậu Giang cùng thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau 9 tháng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của CTCP Traphaco (Mã: TRA) công bố cho biết công ty đạt 568 tỷ đồng doanh thu, 71 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 24% và 39% so với cùng kỳ.

Đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của Traphaco là hàng tự sản xuất. Chi phí lãi vay của Công ty giảm mạnh chỉ còn 1,3 tỷ đồng so với mức 2,8 tỷ đồng cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở mức 57 tỷ đồng tương đương năm ngoái, chi phí bán hàng tăng thêm 22 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, trong bối cảnh quý 3 nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội đã làm phát sinh cước vận tải, chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch…

4946-traphaco

Doanh thu trong kỳ của Dược phẩm OPC (Mã: OPC) đạt 299 tỷ đồng, tăng 40% so với quý 3/2020. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty tăng từ mức 79 tỷ (quý 3 năm ngoái) lên 117 tỷ đồng.

Dù các chi phí tăng mạnh, song OPC vẫn thu về lợi nhuận ròng 35 tỷ, tăng đến 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, một doanh nghiệp đặc biệt ghi nhận lãi tăng hàng trăm lần là CTCP Dược phẩm Trung Ương 1- Pharbaco (Mã: PBC). Trong quý, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 4 triệu đồng.

5820-dyyc-phym-2
Ảnh minh họa.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh những doanh nghiệp lãi khủng, ngành dược cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp "nằm đáy" trước làn sóng Covid-19 lần 4.

Có thể kể đến CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: DMC) báo lợi nhuận giảm sút tới 83% về mức 3 tỷ đồng, doanh thu cũng giảm mạnh tới 59% so cùng kỳ.

Hay như CTCP Dược Hà Tây (Mã: DHT) có lợi nhuận sụt giảm 53% so cùng kỳ. Vào đầu tháng 10, Dược Hà Tây đã phải họp thông qua việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 cả về doanh thu và lợi nhuận dựa vào kết quả kinh doanh thực tế 8 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu điều chỉnh giảm hơn 20% về 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn 68 tỷ đồng, giảm gần 40%.

Quý 3/2021, Imexpharm (Mã: IMP) ghi nhận doanh thu thuần 256 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp giảm mạnh 22% xuống còn 89 tỷ. Theo IMP, trong kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến doanh thu giảm, hoạt động ngưng trệ trong khi chi phí tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay giảm mạnh đến 38%, chỉ còn 31 tỷ đồng.

0030-dyyc-phym-3
Dược Hậu Giang

Trong một báo cáo mới đây của SSI Research về các doanh nghiệp ngành dược phẩm, cho thấy lợi nhuận có sự phân hóa lớn khi các công ty dược đã được nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất gần đây (EU-GMP, PIC/s GMP) như Dược Hậu Giang, Dược phẩm Imexpharm và Pymepharco.

Nhờ đó các đơn vị này đã giành thêm thị phần, đạt tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ hơn nhiều nhờ hưởng lợi từ Thông tư 15 về đấu thầu thuốc tại kênh bệnh viện. Các công ty khác có kết quả kinh doanh hầu như đi ngang hoặc giảm.

Tại các tỉnh phía Nam, các biện pháp giãn cách đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc. Các công ty dược phẩm ở miền Nam như Imexpharm, Dược Hậu Giang và Dược phẩm OPC đã phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 30% trong tháng 7 và tháng 8 để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội “ba tại chỗ”.

Ngoài ra, nhiều bệnh viện ở miền Nam đã được chuyển đổi thành trung tâm điều trị Covid-19, khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện (kênh ETC) chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, rất ít doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vắc xin hoặc thuốc điều trị Covid-19.

"Mặc dù nhiều công ty dược Việt Nam đã thông báo được Chính phủ cho phép nhập khẩu vắc xin, nhưng chỉ có VNVC thực hiện được do quy trình nhập khẩu rất phức tạp trong khi nguồn cung vắc xin khan hiếm. Đối với việc sản xuất và nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19, hầu hết nguồn cung đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty nhà nước", báo cáo nêu rõ.

Phía SSI Research cho rằng một số công ty trong nước khác như Traphaco hoặc CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược - có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng Covid-19 như xuyên tâm liên (giảm ho, giảm đờm), vitamin, nước muối sát khuẩn…

Về triển vọng những tháng cuối năm cũng như năm sau, các chuyên gia cho rằng giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) từ nước ngoài đã hạ nhiệt nên Việt Nam sẽ hưởng được mức giá vốn thấp hơn trước đây.

Bên cạnh đó, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp dược phẩm Việt Nam từ nửa cuối năm và giá nguyên liệu đầu vào của các công ty trong nước sẽ sớm giảm từ mức cao và tỷ suất lợi nhuận sẽ cải thiện từ năm 2022. Đồng thời, quy trình phê duyệt thuốc cũng đang diễn ra nhanh hơn nhiều.

SSI Research nhận định, việc không xây dựng các nhà máy sản xuất mới, thay vào đó chờ giấy phép thuốc để mở rộng sản xuất, sẽ dẫn đến tăng trưởng doanh thu tốt hơn và có thể sẽ cạnh tranh hơn trong ngành từ năm sau.

SSI Research còn cho rằng nhu cầu rất thấp trong năm 2021 sẽ là động lực cho tăng trưởng bất ngờ trong năm sau khi chấm dứt các biện pháp giãn cách xã hội.

Lâm Tuyền