Lợi nhuận của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ được cải thiện khi Crack spread tăng mạnh

Cập nhật: 17:14 | 06/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Hoạt động kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn dự kiến sẽ thuận lợi hơn trong nửa cuối năm nay khi mức crack spread được nhận định sẽ tăng mạnh.

Lợi nhuận của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ được cải thiện khi Crack spread tăng mạnh
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận doanh thu giảm 4,6% do sản lượng tiêu thụ ước giảm khoảng 10% so với cùng kỳ

Quý III/2023, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận doanh thu giảm 4,6% do sản lượng tiêu thụ ước giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, crack spread diesel và nhiên liệu bay tại châu Á đã hồi phục tốt từ mức đáy trong quý II/2023, lần lượt đạt mức 28,4 USD/thùng, tăng 99,3% so với quý trước và 25,8 USD/thùng, tăng 77,3% so với quý trước.

Trong quý, dưới tác động của sự khan hiếm nguồn cung, lợi nhuận ròng của BSR tăng đột biến 581% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận theo đó được cải thiện lên mức 10,1% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 1,7%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, BSR ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 6,232 tỷ đồng, giảm 52% so với năm cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo về triển vọng ngành dầu khí, Chứng khoán MBS cho rằng, crack spread các sản phẩm dầu diesel và nhiên liệu bay sẽ được neo ở mức cao trong quý IV/2023 và cả năm 2024. Điều này được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Thứ nhất, yếu tố nhu cầu du lịch hồi phục khiến nhu cầu nhiên liệu bay tăng cao. Thứ hai, nhu cầu sử dụng diesel tiếp tục ở mức cao do El Nino dự kiến vẫn sẽ kéo dài đến hết năm 2024, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Theo đó, nhóm phân tích dự phóng, crack spread dầu diesel châu Á (tham chiếu của BSR) có thể đạt trung bình 23,2 USD/thùng trong năm 2023 và 24,9 USD/ thùng năm 2024.

Lợi nhuận của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ được cải thiện khi Crack spread tăng mạnh
Crack spread xăng Châu Á đi ngang trong quý III/2023.

Trong khi đó, crack spread xăng trung bình tại châu Á đang giảm mạnh trong những ngày đầu của quý IV/2023 xuống mức 3,6 USD/thùng. Đây là tác động kết hợp của việc giá dầu thô tăng vì cắt giảm nguồn cung, trong khi giá xăng không tăng kịp tốc độ này của dầu thô do nhu cầu di chuyển thấp khi mùa đông tới gần tại Mỹ khiến chênh lệch giá xăng-Brent nước này giảm, ảnh hưởng gián tiếp đến crack spread xăng châu Á.

Chứng khoán MBS ước tính, sản lượng tiêu thụ ở quý III của BSR ghi nhận ở mức 1,8 triệu tấn (đi ngang so với quý trước, giảm 10% so với cùng kỳ), đồng nghĩa với việc nhà máy đã hoạt động với công suất cao hơn công suất thiết kế khoảng 15%. Tính chung 9 tháng năm 2023, sản lượng tiêu thụ của công ty đạt khoảng 5,3 triệu tấn, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng tiêu thụ của BSR sẽ tiếp tục duy trì ở mức tối đa trong năm 2023, tuy nhiên sẽ giảm trong năm 2024 do lịch sửa chữa bảo dưỡng cho Nhà máy trong 50 ngày vào tháng 3 - tháng 4 năm 2024.

Vì thế, MBS dự phóng, sản lượng tiêu thụ của BSR sẽ đạt 6,99 triệu tấn trong năm 2023, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 6,02 triệu tấn trong năm 2024, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, động lực tăng trưởng trong dài hạn của BSR sẽ đến từ dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu và tập trung vào mảng hóa dầu.

Cụ thể, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 482/QĐ-TTg nhằm chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Dự án được phê duyệt tổng vốn đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng tương đương 1,257 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu dự kiến chiếm 40%, khoảng 12.494 tỷ đồng. Sau khi nâng cấp mở rộng, công suất của Dung Quất sẽ tăng từ mức 148.000 thùng dầu thô/ngày lên mức 171.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 7,5 triệu tấn/năm, tăng 15,5%; các sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 trong khi nhiên liệu đốt lò (FO) bị loại bỏ hoàn toàn.

Dự án này sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu của BSR trong dài hạn trước bối cảnh nhu cầu sử dụng xăng dầu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong khi NMLD Nghi Sơn thường xuyên gặp sự cố kỹ thuật. Chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, mảng hóa dầu đã được chú trọng hơn khi công suất sản phẩm hóa dầu propylene/ polypropylene sẽ tăng khoảng 48,3% lên mức 685 tấn/ngày, góp phần cân bằng cơ cấu sản phẩm.

Theo Nexant, nhu cầu các sản phẩm chủ lực trong chuỗi giá trị các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam sẽ tăng cao từ nay đến 2045, đồng thời là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu hóa dầu trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam được dự báo vẫn sẽ thiếu nguồn cung phân khúc sản phẩm hóa chất chuỗi C2, C3, C4 và hợp chất thơm do các nhà máy lọc hóa dầu tại Trung Quốc chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Đây là cơ hội tốt cho BSR để chiếm lĩnh thị phần đồng thời tăng biên lợi nhuận do các sản phẩm hóa dầu mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn so với các sản phẩm lọc dầu.

Trong quý III/2023, BSR đã tăng mạnh nợ vay ngắn hạn thêm 165% so với quý trước lên hơn 9.000 tỷ đồng để phục vụ bổ sung vốn lưu động, tuy nhiên tỷ trọng nợ vay trên tổng tài sản vẫn ở mức tương đối thấp (10,2%). Theo kế hoạch của BSR, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay của dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất sẽ là 40/60, đồng nghĩa với vốn vay ở mức 18.741 tỷ đồng tương đương 2,09 lần nợ vay của BSR trong năm 2022. Dự kiến, BSR sẽ chi trên mức 6.000 tỷ hàng năm cho dự án này kể từ năm 2024, chi phí sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2025-2026.

Mặc dù dự phóng nợ vay tăng dần trong giai đoạn 2024-2026 và khiến chi phí lãi vay tăng, MBS cho rằng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của BSR vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức dưới 40% do lợi nhuận giữ lại ở mức cao; Dự án NMLD Dung Quất sẽ được hoàn thành vào năm 2028 và toàn bộ giá trị khoản mục xây dựng cơ bản dở dang sẽ được chuyển sang giá trị tài sản cố định vào thời gian này.

Lợi nhuận của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ được cải thiện khi Crack spread tăng mạnh
Trong quý III/2023, BSR đã tăng mạnh nợ vay ngắn hạn thêm 165% so với quý trước

Chứng khoán MBS dự phóng lợi nhuận ròng của BSR giảm 48% so với cùng kỳ từ mức nền cao của năm 2022. Bước sang năm 2024, MBS dự phóng lợi nhuận ròng của BSR có thể giảm 19% so với cùng kỳ do nhà máy có đợt bảo dưỡng lớn kéo dài 50 ngày sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ.

Liên quan đến kế hoạch chuyển sàn để được niêm yết cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) của Lọc hoá dầu Bình Sơn, hiện doanh nghiệp này đã đáp ứng 8/9 điều kiện, ngoại trừ tiêu chí "Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”.

Theo BSC, Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ tiến hành chuyển sàn và niêm yên trên HoSE vào quý IV/2023 thay vì quý III/2023 như kế hoạch ban đầu.

Trong một diễn biến khác, công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR-BF) – công ty con của Lọc hoá dầu Bình Sơn đang có các khoản vay quá hạn thanh toán với một số ngân hàng, và đang chờ Tòa án nhân dân Quảng Ngãi tiến hành xét xử. Ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đánh giá và giải quyết vướng mắc này.

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 6/11, giá cổ phiếu BSR đạt 18.700đồng/cổ phiếu, tăng 0,54% so với phiên giao dịch trước đó.

Một doanh nghiệp lọc hóa dầu sắp chi gần 2.200 tỷ đồng trả cổ tức năm 2022

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa phát đi thông báo, vào 23/8 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối ...

BSR có định hướng niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã đề ra kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu ...

Xung đột Israel - Hamas đẩy giá dầu thô tăng lên, nhóm cổ phiếu "nhà P" kỳ vọng hưởng lợi

Bên cạnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài từ năm 2022 đến nay, cuộc xung đột địa chính trị giữa Israel và nhóm vũ ...

Tiểu Vy