Loạt ngân hàng siết tài khoản không hoạt động, làm gì để tránh gián đoạn giao dịch?

31/03/2025 09:13

Nhiều ngân hàng đang mạnh tay rà soát, đóng tài khoản không hoạt động nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Khách hàng cần làm gì để tránh bị gián đoạn giao dịch?

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã phát đi thông báo chính thức về việc sẽ đóng các tài khoản không hoạt động, nhằm làm sạch hệ thống dữ liệu, loại bỏ tài khoản “rác” hoặc tài khoản không chính chủ.

Cụ thể, ngày 19/3, Sacombank cho biết sẽ tiến hành đóng các tài khoản doanh nghiệp có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch trong vòng 6 tháng, tính từ thời điểm tài khoản không còn số dư. Khách hàng có nhu cầu tiếp tục sử dụng cần liên hệ chi nhánh/phòng giao dịch trước ngày 15/4/2025, nếu không tài khoản sẽ bị chủ động đóng.

Hàng loạt ngân hàng đã phát đi thông báo chính thức về việc sẽ đóng các tài khoản không hoạt động

Tương tự, LPBank cũng thông báo sẽ xóa tài khoản cá nhân không có số dư và không phát sinh giao dịch trong 12 tháng liên tiếp, bắt đầu từ ngày 25/3/2025. Khách hàng cần thực hiện ít nhất một giao dịch tài chính như nạp tiền, chuyển khoản hoặc đăng nhập ứng dụng ngân hàng số trước ngày 24/3 để tránh bị đóng tài khoản vĩnh viễn.

Không chỉ Sacombank và LPBank, nhiều ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, VPBank, OCB, VIB… cũng đồng loạt thực hiện chính sách “dọn dẹp” tài khoản không hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phòng ngừa rủi ro.

Tại BIDV, tài khoản thanh toán sẽ bị tự động đóng nếu có số dư bằng 0 và không phát sinh giao dịch trong vòng 6 tháng (đối với tài khoản tiền VND) hoặc 12 tháng (đối với tài khoản ngoại tệ). Một số dịch vụ đặc thù có thể áp dụng quy định riêng theo thỏa thuận với khách hàng.

Agribank cũng quy định tạm khóa tài khoản cá nhân nếu số dư dưới 50.000 đồng hoặc 10 đơn vị tiền ngoại tệ và không phát sinh giao dịch trong 12 tháng. Với tổ chức, ngưỡng này là 1 triệu đồng hoặc 100 đơn vị tiền ngoại tệ. Nếu tài khoản không hoạt động quá 36 tháng kể từ thời điểm bị tạm khóa, ngân hàng sẽ đóng tài khoản. Trường hợp còn số dư, tiền sẽ được "treo" và chỉ rút được tại quầy sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định.

Vietcombank và VietinBank cũng có chính sách tương tự: đóng tài khoản nếu không có giao dịch phát sinh và số dư về 0 đồng trong suốt 12 tháng liên tục.

Với VPBank, tài khoản sẽ bị đóng sau 360 ngày kể từ khi được xác định ở trạng thái không hoạt động và có số dư bằng 0. Techcombank áp dụng điều kiện chặt hơn, khi tài khoản không phát sinh giao dịch trong 12 tháng và số dư thấp hơn mức tối thiểu 50.000 đồng, 5 USD hoặc 5 EUR (sau khi trừ các loại phí), sẽ bị xóa.

Thực tế, nhiều tài khoản dù không sử dụng vẫn phát sinh các loại phí như phí quản lý, phí thường niên, phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking… dẫn đến hao hụt số dư.

Do đó, khách hàng cần chủ động rà soát lại các tài khoản ít sử dụng hoặc không dùng đến. Với những tài khoản còn nhu cầu, nên nhanh chóng thực hiện giao dịch tài chính hoặc đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng số để kích hoạt lại. Nếu không còn nhu cầu, nên mang giấy tờ tùy thân như CCCD hoặc hộ chiếu đến chi nhánh ngân hàng để chủ động đóng tài khoản, tránh phát sinh phí không cần thiết và đảm bảo an toàn thông tin.

Sơn Tùng

    Nổi bật
        Mới nhất
        Loạt ngân hàng siết tài khoản không hoạt động, làm gì để tránh gián đoạn giao dịch?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO