Loại nông sản ví như "vàng nâu" đang được Nhật Bản ráo riết săn lùng, Việt Nam xuất khẩu thu hơn 3.300 tỷ
Loại nông sản này liên tục thiết lập mức giá kỷ lục trong thời gian gần đây, nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản cũng đang tăng vọt.
Theo Cục Hải quan, trong tháng 2/2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 169.800 tấn cà phê, đạt giá trị 964,3 triệu USD, tăng mạnh 26,7% về lượng và 32,2% về trị giá so với tháng 1/2025. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng loại nông sản này tăng 6,9%, còn giá trị tăng tới 82,6% – mức tăng ấn tượng phản ánh sự leo thang mạnh mẽ của giá cà phê toàn cầu.

Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu cà phê đạt 309.500 tấn, thu về 1,72 tỷ USD (tương đương hơn 3.300 tỷ đồng). Dù lượng xuất khẩu giảm 22%, nhưng trị giá lại tăng 37,2% so với cùng kỳ 2024 – cho thấy mức giá xuất khẩu bình quân tăng vọt.
Theo đó, giá xuất khẩu cà phê trung bình 2 tháng đầu năm đạt 5.561 USD/tấn, tăng tới 75,9% so với cùng kỳ năm 2024 – một con số chưa từng có trong nhiều năm qua.
Một trong những thị trường tiêu biểu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng là Nhật Bản. Trong tháng 2/2025, Việt Nam xuất khẩu 11.000 tấn cà phê sang Nhật, trị giá 67,9 triệu USD, tăng 57,4% về lượng và 145,6% về trị giá so với tháng 2/2024.
Tính chung 2 tháng, Nhật Bản nhập 20.700 tấn cà phê từ Việt Nam, đạt 127,6 triệu USD, dù sản lượng giảm 11,5%, nhưng trị giá vẫn tăng 56,1% nhờ giá cao.
Giá cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tháng 2/2025 đạt 6.175 USD/tấn, còn tính bình quân cả hai tháng đầu năm đạt 6.163 USD/tấn, tăng 76,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, thị trường Nhật hiện đang trải qua làn sóng tiêu thụ cà phê mới, đặc biệt trong giới trẻ. Văn hóa cà phê châu Âu, mô hình cà phê specialty, và xu hướng tự pha chế tại nhà khiến nhu cầu về cà phê hòa tan và rang xay tăng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam – quốc gia có hơn 600.000 ha diện tích trồng cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta đang sở hữu nhiều lợi thế so với các nước xuất khẩu khác như Brazil, Indonesia hay Colombia.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Brazil, và có xu hướng nâng dần thị phần nhờ tận dụng lợi thế địa lý và đón đầu nhu cầu cà phê đặc sản.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng phi mã trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Cà phê Hoa Kỳ (NCA), nếu Mỹ thực sự tăng thuế nhập khẩu cà phê từ Brazil hoặc các nước châu Mỹ Latin, giá cà phê có thể tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.
Hiện tại, giá xuất khẩu cà phê Arabica của Brazil đã lên mức 8.600–8.800 USD/tấn – mức giá kỷ lục kể từ trước đến nay. Điều này vô hình trung tạo cơ hội cho cà phê Robusta Việt Nam gia tăng hiện diện tại nhiều thị trường, nhất là châu Á và châu Âu.