Loại gia vị Việt khiến Mỹ "đổ tiền", xuất khẩu hàng chục ngàn tấn chỉ trong 3 tháng
Tính đến hết quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 47.000 tấn loại nông sản này, giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Theo số liệu mới công bố từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 3/2025, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 20.244 tấn, trong đó tiêu đen chiếm 17.493 tấn và tiêu trắng là 2.751 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu ghi nhận ở mức 141,6 triệu USD, tăng mạnh 45,6% về trị giá và 41,3% về lượng so với tháng trước đó.

Giá xuất khẩu bình quân trong tháng 3 cũng ghi nhận sự khởi sắc: tiêu đen đạt mức 6.790 USD/tấn, tiêu trắng đạt 8.802 USD/tấn – mức tăng lần lượt 122 USD và 268 USD mỗi tấn so với tháng 2. Điều này tiếp tục khẳng định xu hướng tăng giá ổn định của mặt hàng được ví như “vàng đen” của ngành nông sản Việt Nam.
Trong quý I/2025, Mỹ vẫn giữ vững vị thế là thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, với tổng khối lượng nhập khẩu đạt 10.278 tấn, chiếm 22% thị phần. Mặc dù con số này giảm 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn đủ để đưa Hoa Kỳ trở thành điểm đến chủ lực của hồ tiêu Việt.
Điều đặc biệt là trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam trị giá hơn 400 triệu USD – tương đương gần 10.500 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ rệt cho sự tin tưởng của thị trường khó tính bậc nhất thế giới vào chất lượng và sản phẩm của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Xếp sau Mỹ là các thị trường tiềm năng như Ấn Độ (3.370 tấn), Đức (3.358 tấn), UAE (2.757 tấn). Đáng chú ý, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong quý I tăng tới 87,8%, đạt 2.034 tấn – một con số cho thấy nhu cầu tiêu dùng và chế biến của quốc gia láng giềng đang phục hồi mạnh mẽ.
Xuất khẩu tăng giá trị, nhập khẩu phục vụ chế biến
Tính chung quý I, Việt Nam đã xuất khẩu 47.660 tấn hạt tiêu với tổng kim ngạch 326,6 triệu USD, dù lượng giảm 16,1% nhưng trị giá lại tăng tới 38,6% nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Giá bình quân tiêu đen trong quý đạt 6.711 USD/tấn, tiêu trắng là 8.617 USD/tấn – lần lượt tăng gần 95% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng nhập khẩu gần 5.000 tấn hạt tiêu trong tháng 3 để phục vụ chế biến và tái xuất, chủ yếu từ Brazil (3.061 tấn), Indonesia và Campuchia. Giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 28,9 triệu USD, tăng 81,3% so với tháng trước.
Giá tiêu trong nước và thế giới tiếp tục tăng
Thị trường tiêu trong nước đang có những biến động tích cực. Tại Gia Lai, giá tiêu tăng 2.500 đồng/kg, lên mức 153.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước... cũng tăng 3.000 đồng/kg, giao động trong khoảng 154.000 – 155.000 đồng/kg – cao nhất từ đầu năm đến nay.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam hiện ổn định trong khoảng 7.100 – 7.300 USD/tấn. Đây là mức giá cạnh tranh so với các nước khác như Brazil (6.950 USD/tấn) hay Indonesia (7.239 USD/tấn), đồng thời phản ánh nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu toàn cầu đang tăng.
Dù thị trường Mỹ là điểm sáng trong xuất khẩu, song các doanh nghiệp ngành hồ tiêu đang lo lắng trước thông tin Tổng thống Donald Trump sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu tối thiểu 10% và thuế đối ứng 46% với hàng hóa từ Việt Nam, bắt đầu từ tháng 4/2025. Hiện chưa rõ liệu hạt tiêu có nằm trong danh sách các mặt hàng bị đánh thuế đối ứng hay không.
Nếu áp thuế 46% vào hạt tiêu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ, đặc biệt là các hợp đồng đã ký với khách hàng Mỹ cho kỳ giao hàng từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. VPSA đã cảnh báo các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các diễn biến chính sách, rà soát lại hợp đồng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam vẫn là "ông trùm" xuất khẩu hồ tiêu thế giới
Với sản lượng hơn 170.000 tấn và thị phần xuất khẩu chiếm khoảng 60% toàn cầu, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trong ngành hồ tiêu quốc tế. Hồ tiêu không chỉ là cây gia vị, mà còn là sản phẩm chủ lực giúp nông nghiệp Việt khẳng định thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, để giữ vững ngôi vị, ngành hồ tiêu Việt Nam cần tăng tốc đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và chủ động ứng phó với rủi ro chính sách thương mại quốc tế.