Làn sóng COVID-19 thứ 2: Thế giới và những đánh giá về Việt Nam

Cập nhật: 17:40 | 30/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Trong đợt tái bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 2, Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm sáng trên một số diễn đàn, mặt báo/tạp chí Quốc tế trên cả hai "mặt trận" gồm y tế và kinh tế...

The New York Times: Việt Nam chống dịch nhanh và mạnh mẽ khi phát hiện các ca lẫy nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng

"Chiến đấu" nhờ vào quyết tâm và kinh nghiệm thực chiến

Tạp chí The Diplomat vừa đưa ra góc nhìn lạc quan về tình hình COVID-19 ở Việt Nam trong nguy cơ của một làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

The Diplomat nhận định, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc chiến đấu chống lại đại dịch, không chỉ COVID-19 khi trong quá khứ, Việt Nam từng trải qua dịch Sars năm 2003 và trở thành quốc gia đầu tiên kiểm soát nó.

Việc bị đại dịch "tấn công" sớm khiến Việt Nam nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự lây lan. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp sớm để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và nó đã kiểm soát thành công trước đó vào tháng 1 và tháng 3.

Đến thời điểm hiện tại, số ca dương tính vẫn ở mức thấp so với các quốc gia láng giềng và chưa có ca tử vong. Do đó, Chính phủ có thể lạc quan rằng với kinh nghiệm trước đây, Việt Nam có thể xử lý tốt làn sóng tiếp theo.

Kinh nghiệm đối phó với hai đợt dịch trước cũng có thể hữu ích cho Việt Nam trong việc giải quyết các ca dương tính mới nhất ở Đà Nẵng.

The Diplomat cho rằng, do đã chiến đấu chống lại đại dịch trong nửa năm, Việt Nam được trang bị các thiết bị tốt hơn. Đó là điều cần thiết để chống lại làn sóng COVID-19 tiếp theo.

Cùng với đó, nhận thức của cộng đồng cũng được nâng cao hơn. Nhận thức được coi là một trong những yếu tố chính trong việc đẩy lùi Covid-19 trước đây. Người dân đang sử dụng các ứng dụng di động như NCOVI và Bluezone, được phát triển với sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, để cập nhật tình trạng sức khỏe thường xuyên để chính quyền địa phương có thể theo dõi chặt chẽ tình hình đại dịch và ứng phó kịp thời.

Dự kiến, Việt Nam sẽ có thể duy trì động lực chiến đấu chống lại virus trước khi vaccine được phân phối. Ngay cả khi làn sóng tiếp theo đến, Việt Nam vẫn có thể đối phó với nó một cách hiệu quả như đã làm trong những tháng qua.

Không có sự hoảng loạn

Tương tự, The New York Times đã nhận định: "Trong khi đại dịch vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới thì Việt Nam dường như là một điều thần kỳ".

Khởi phát từ thành phố du lịch Đà Nẵng, hiện nay Việt Nam đã có tổng cộng 459 ca nhiễm COVID-19. Riêng sáng ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới. Mặc dù số ca tử vong vẫn ở mức 0 nhưng ca lây nhiễm mới không rõ nguồn gốc khiến cho chính quyền và người dân hết sức lo lắng về một làn sóng virus thứ 2.

Tuy nhiên, The New York Times cho rằng, Việt Nam đang phản ứng với làn sóng virus mới giống như cách mà họ đã làm trong quá khứ nhanh và mạnh mẽ.

Chỉ vài giờ sau khi các trường hợp nhiễm mới được phát hiện tại Đà Nẵng vào đầu tuần này, chính quyền đã đóng cửa sân bay và sơ tán hơn 80.000 du khách ra khỏi thành phố. Đồng thời, nhiều tỉnh/thành phố trên khắp cả nước đã tiến hành kiểm dịch đối với toàn bộ người dân đã từng đến Đà Nẵng. Bộ Y tế cho biết, chủng virus được phát hiện ở Đà Nẵng khác với loại virus trước đó.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng Trường Đại học Quang Trung (Bình Định) nhận định, đây là virus ngoại nhập trong bối cảnh cảnh sát Việt Nam liên tiếp bắt được nhiều đối tượng có quốc tịch Trung Quốc nhập cư trái phép vào Việt Nam. Theo ông Nga, không thể xảy ra trường hợp virus tồn tại trong cộng đồng 3 tháng mà không gây ra dịch bệnh.

Tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Minh Hoa, Giám đốc một công ty marketing cho biết, không hề xảy ra tình trạng người dân tích trữ đồ ăn, các kệ hàng hóa vẫn còn nguyên, có nghĩa là cư dân lo lắng nhưng không hoảng loạn.

"Mọi người tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội", bà Hoa nói. "Tôi chỉ buồn vì thành phố ven biển này bỗng chốc trở thành trung tâm bùng phát dịch bệnh sau 100 ngày yên bình".

World Bank dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới: Nếu được quản lý tốt thì khủng hoảng lần này có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng

Sách lược về y tế và sức khỏe nền kinh tế

Chiều ngày 30/7, Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020: “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19”.

Công bố báo cáo, bà Stefanie Stallmeister - quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có bài phát biểu như sau:

"Chúng ta đang sống trong thời đại bất ổn. Sau khi cướp đi sinh mạng của hơn 650.000 người và hơn 16 triệu người bị lây nhiễm, COVID-19 đã trở thành cú sốc y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua và thậm chí là cả thế kỷ qua.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa việc cứu sống nhân mạng hay hạn chế hoạt động kinh tế. Trong lúc hầu hết các quốc gia còn do dự, chưa biết nên quyết theo hướng nào thì Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn.

Các biện pháp ứng phó sớm, theo dõi và xét nghiệm có mục tiêu, công bố thông tin minh bạch, kết hợp với chiến dịch truyền thông sáng tạo đã cho thấy hiệu quả rất cao cho đến thời điểm này. Mặc dù có vị trí gần Trung Quốc, dân số tương đối lớn, Việt Nam cũng đã chiến thắng số mệnh với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng hạn chế và số ca tử vong bằng 0 kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

COVID-19 đến nay đã được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua. Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng hơn 1%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm % so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó. Đại dịch cũng gây ra khó khăn cho kinh tế người dân. Chính phủ ước tính có khoảng 30 triệu người lao động, tương đương một nửa lực lượng lao động đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch và trong số đó, khoảng 8 triệu người đã mất việc làm.

Các chính sách giãn cách xã hội đã được nới lỏng từ cuối tháng 4. Điều này rõ ràng đã giúp sức cho nhiều hoạt động kinh tế trong nước, bao gồm cả các hoạt động kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, các ngành nghề chủ đạo vẫn bất ổn tài chính như du lịch, vận tải hàng không, chế biến xuất khẩu.

Như đã lý giải trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới.

Theo dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và phục hồi mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh sớm, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước bao gồm chuyển đổi số và quản lý tài nguyên bền vững.

Trong nguy luôn có cơ, tôi hy vọng các bạn đồng ý với tôi, cuộc khủng hoảng lần này khác với lần trước và nếu được quản lý tốt thì khủng hoảng lần này có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045".

Lịch trình di chuyển của 8 bệnh nhân mắc Covid-19 mới ở Đà Nẵng

Trưa 30/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP. Đà Nẵng đã cung cấp thông tin lịch trình chi tiết của 8 ca mắc ...

Thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ ra sao trước tình hình Covid-19 phức tạp?

Việc các ca lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng gần đây có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ...

Dịch Covid-19 tại Đà Nẵng ảnh hưởng như thế nào tới phân khúc BĐS nghỉ dưỡng?

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định: Thị trường khách sạn và resort tại Đà nẵng sẽ ...

Nam Thiên

Tin cũ hơn
Xem thêm