Lần mắc bẫy nhớ đời

Cập nhật: 07:40 | 08/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Nói đến thị trường chứng khoán Việt Nam, hẳn ai cũng từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nếu đã ít nhất một lần mở hầu bao, trích ra một số tiền nào đó để đầu tư. Cùng với màu sắc thay đổi trên bảng điện tử là vô vàn cổ phiếu với những bài học nhớ đời cho “lính mới tò te”.

Bài dự thi: Lần mắc bẫy nhớ đời của một nhà đầu tư lâu năm

Cổ phiếu bất ngờ tăng lên mà không có tin hỗ trợ thì cũng có thể rớt dài nhiều phiên không cần nguyên nhân. Đó có thể là một ... cái bẫy, Đồ họa: Đức Anh

Đó là thời điểm tôi đã thắng mấy cổ phiếu, kể cả được “phím” lẫn tự nghiên cứu ra. Chính vì thế, tuy thời gian đầu tư chưa lâu nhưng tôi đã có tư tưởng chủ quan, tự mãn rằng mình có khi lại có tài đầu tư hoặc được thần may mắn phù trợ. Cho đến một hôm “mắc bẫy”, tôi vẫn đinh ninh rằng mình bị xui thôi, mãi về sau ngẫm lại mới thấy mình dại.

Khi đó, vào thời điểm thị trường không rơi xuống dưới mốc 500 điểm, làn sóng suy thoái từ các nước châu Âu tác động không nhỏ tới tâm lý thị trường. Các công ty sản xuất hàng xuất khẩu cũng chịu chung số phận hẩm hiu.

Tin tốt nhỏ giọt không đủ để kéo lại sự đi xuống của thị trường chung. Cùng với đó là bao câu chuyện bi hài của các “đội làm giá” và nhà đầu tư nhỏ lẻ bị “mắc cạn” ngay trong phiên giao dịch.

Hồi ấy, ai được đi học một chút kiến thức về đầu tư chứng khoán thì biết đó là “bẫy” - đó là trong một thị trường đang đi xuống - mà mọi người vẫn gọi là thị trường con gấu thì bất ngờ có một phiên lực mua tăng lên rất mạnh. Đợt tăng đó có thể kéo dài từ một đến vài ngày, nhưng cũng có thể chỉ xuất hiện một lúc, rồi lại đưa cả thị trường trượt dốc như chưa bao giờ có bẫy kia xảy ra.

Lý thuyết thì là thế nhưng trên thực tế, khi đang chăm chú vào bảng điện tử với vô vàn mã cổ phiếu và nhiều con số thì thường người ta sẽ không đủ tỉnh táo để nhận ra bẫy nếu không có nhiều kinh nghiệm.

Tôi đã bị dính bẫy một cách đau đớn như thế. Con ngựa non háu đá quá phấn khích lao ngay vào cổ phiếu có lực mua mạnh. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng “giảm lâu lắm rồi, kiểu này chắc có ai đánh lên, nhìn lực mua khủng thế kia cơ mà”.

Đó là lần dính bẫy khá tệ trong cuộc đời đầu tư của tôi. Mặc dù trước đó tôi đã nghiên cứu tài liệu về đầu tư và có được dạy về bẫy tăng giá, nhưng thực tế khác xa với lý thuyết.

Ngày đó tôi vẫn nhớ như in. Cổ phiếu xây dựng, nhất là cổ phiếu nhỏ lại tự nhiên tăng trong khi thị trường chung không mấy tích cực. Tôi loáng thoáng nghĩ đến đó là bẫy, nhưng chỉ là suy nghĩ thoáng qua mà thôi. Nhưng đó chính là bẫy thật.

Tính ra, tôi không chỉ dính loại bẫy đó một lần. Ngay cả nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm cũng có thể biến thành kẻ ngốc trong một ngày tâm lý không vững. Tôi đã thấy không ít người mắc bẫy, dù sau đó họ nhận ra nhưng không kịp sửa sai bởi đã đặt lệnh mất rồi. Với tôi, đến khi có một ít kinh nghiệm, tôi vẫn dính bẫy một cách cay đắng.

Danh mục đầu tư của tôi lúc đó khá nhiều nên tôi chần chừ chưa dám vào ngay một cổ phiếu khác khi thấy xuất hiện lực mua mạnh. “Nó tăng không rõ nguyên nhân, hay là ai kích lên để ‘xả’?”. Tôi đã nghĩ vậy và cẩn thận đi tìm hiểu thông tin, nhưng tuyệt nhiên không có gì, chỉ có vài người mạo hiểm nhảy vào một chút.

“Nhiều khi lớ ngớ lại ăn dày” - tôi tặc lưỡi rồi ấn nút đặt lệnh mua. Một khoảnh khắc có thể quyết định lỗ hay lãi. Trong trường hợp của tôi thì cái kết đến theo cách không ngờ nhất. Bảng điện tử bỗng lớt phớt sắc xanh, rồi đồng loạt các cổ phiếu lớn tăng giá.

Dĩ nhiên loạt cổ phiếu “trà đá” cũng được đà nổi lên theo với dăm ba tin tốt đồng loạt được tung ra trên diễn đàn, trong các nhóm chat. Thế là đủ để có một “chuyến tàu ma”, kéo theo hàng loạt nhà đầu tư non kinh nghiệm lên tàu.

Ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận ra mình dính bẫy. Cổ phiếu tôi mua cũng là loại “tự nhiên lên” mà không vì lý do gì nên cũng xuống không cần nguyên nhân. Thường ở Việt Nam khi một hoặc một vài cổ phiếu đột nhiên tăng giá thì người ta hay nghĩ rằng “có ai đó đánh lên”. Thật ra, nếu có được đánh lên thật sự thì nhà đầu tư cá nhân sẽ có rất ít cơ hội “lên tàu”. Chỉ là bẫy thì nhiều người nhỏ lẻ mới dễ mua như thế.

Kết quả là tôi đã lỗ đến 30% sau khi “chạy” được hết số cổ phiếu ấy. Đến lúc đó, tôi chỉ còn biết tự trách mình không suy xét kỹ càng mà đã vội vã quyết định.

Ở nước ta, với một thị trường phát triển chưa quá lâu thì việc dính bẫy là chuyện thường ngày, nhất là đối với những nhà đầu tư cá nhân. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được cảm xúc của mình, không để quá hào hứng hay quá nóng giận dẫn tới mất khôn.

Đinh Thành Trung

Tin liên quan