Lần đầu tiên CEO Lê Hồng Minh lên tiếng về kế hoạch tạm hoãn IPO của VNG

Cập nhật: 15:10 | 03/10/2023 Theo dõi KTCK trên

“Tôi muốn VNG IPO ở vị thế vững chắc và có cơ hội tăng giá tốt nhất sau khi chào sàn” - CEO Lê Hồng Minh nói về kế hoạch tạm hoãn IPO đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Lần đầu tiên CEO Lê Hồng Minh lên tiếng về kế hoạch tạm hoãn IPO của VNG
VNG đã gặp gỡ hơn 120 nhà đầu tư toàn cầu nhưng hầu hết họ vẫn đang trong tâm thế chờ đợi và quan sát

Tech in Asia cho hay, trong một thông báo nội bộ, CEO VNG Lê Hồng Minh đã chia sẻ với nhân viên về quyết định hoãn đợt IPO tại Mỹ vốn rất được mong đợi. Theo ông Lê Hồng Minh, lý do nằm ở tâm lý sẵn sàng của các nhà đầu tư với các đợt IPO công nghệ châu Á.

“Tôi muốn VNG IPO ở vị thế vững chắc và có cơ hội tăng giá tốt nhất sau khi chào sàn”, CEO VNG nói và khẳng định “Bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức vào năm 2023, tất cả hoạt động kinh doanh của VNG đều đang phát triển tốt và chúng tôi đang nhìn thấy những cơ hội lớn trong các nỗ lực toàn cầu và AI của mình”.

Ông Lê Hồng Minh tiết lộ, VNG đã gặp gỡ hơn 120 nhà đầu tư toàn cầu trong năm qua để chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư đều đang ở trong tâm thế “chờ xem”. Dù vậy, CEO VNG vẫn tỏ ra khá lạc quan: “Tôi có niềm tin chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có thể quay trở lại thị trường trong tương lai rất gần”.

Như Kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, cuối tháng 9, VNG đã được khuyên nên tạm dừng kế hoạch IPO cho đến khi nhu cầu thị trường được cải thiện. Những diễn biến trái chiều hậu IPO của bộ ba Arm, Instacart và Klaviyo cho thấy, thị trường IPO của nước Mỹ vẫn chưa thể phục hồi sau 18 tháng trì trệ, do ảnh hưởng bởi lãi suất cao và sự sụt giảm gần đây của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, sau gần một tuần ra mắt Nasdaq, cổ phiếu ARM của Arm đã giảm 4,1%, về gần mức giá IPO ghi nhận ở mức 52,91 USD. Trong khi đó, cổ phiếu của ứng dụng giao hàng tạp hóa Instacart thậm chí còn giảm giá chỉ sau 1 ngày chào sàn.

Còn Klaviyo, mặc dù được xem là công ty sở hữu thành tích tốt nhất trong số 3 ông lớn IPO trong tháng 9 nhưng mức độ tăng trưởng của cổ phiếu KVYO đã giảm dần.

Ông Jake Dollarhide, CEO của Công ty quản lý tài sản Longbow Asset Management ở Tulsa, Oklahoma nhận định: “Nasdaq đang ở trong một thời kỳ yếu đuối. Các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang dầu và những thứ chưa từng hoạt động trước đây… còn cổ phiếu công nghệ thì đang bị bán tháo”.

Trên thị trường, số vụ đặt cược của phe bán khống chống lại Arm cũng liên tục tăng lên, bởi họ tin rằng, cổ phiếu của hãng này sẽ tiếp tục lao dốc.

Kế hoạch IPO của VNG

Trở lại với kế hoạch IPO của VNG, một tháng trước đó, Công ty CP VNG (UPCoM: VNZ) đã thông báo về việc công ty holding của họ là VNG Limited chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Theo VNG, hồ sơ này sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh và chưa được SEC công bố hiệu lực.

Dù vậy, hồ sơ này đã hé lộ những thông tin về cách thức IPO và cơ cấu cổ đông của VNG.

Về cách thức IPO, khác với VinFast, VNG không sử dụng SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) làm “cửa sau” mà lựa chọn đi theo “con đường” VIE Structure (Variable Interest Entity: Mô hình sở hữu đặc biệt) để lên sàn chứng khoán Mỹ.

Đây là cách làm mà nhiều ông lớn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, JD.com, Tencent, Didi Global… từng thực hiện. Theo đó, các doanh nghiệp này đều thành lập một pháp nhân có trụ sở tại nước ngoài (offshore SPV) để tiến hành niêm yết pháp nhân này trên sàn chứng khoán Mỹ. Pháp nhân nước ngoài này sẽ có hợp đồng với pháp nhân nước sở tại, với các điều khoản cụ thể về quyền kiểm soát hoạt động và quyền sở hữu.

Ở trường hợp của VNG, pháp nhân có trụ sở tại nước ngoài (offshore SPV) là VNG Limited - một tổ chức nước ngoài có trụ sở tại “thiên đường thuế” Cayman.

Về cấu trúc sở hữu, VNG Limited - doanh nghiệp tiến hành niêm yết (Listed Co), trực tiếp nắm giữ 49% cổ phần của VNG (được gọi là OpCo, công ty điều hành) và gián tiếp sở hữu 21,3% cổ phần thông qua thỏa thuận với công ty holding (HoldCo) tại Việt Nam (mà cụ thể ở đây là Công ty CP Công nghệ Big V do ông Lê Hồng Minh nắm giữ 99,99% cổ phần).

Cũng theo hồ sơ niêm yết của VNG này, doanh nghiệp này phát hành 2 loại cổ phiếu hạng A (nắm 100% lợi ích kinh tế nhưng chỉ giữ 49% quyền biểu quyết) và cổ phiếu hạng B (không có lợi ích kinh tế nhưng có 51% quyền biểu quyết).

Trong đó, cổ phiếu hạng B được phát hành cho nhà sáng lập Lê Hồng Minh và nhà đồng sáng lập Vương Quang Khải với tỷ lệ lần lượt là 88,2% và 11,8%. Tỷ lệ thực hiện quyền biểu quyết tương ứng lần lượt là 45% và 6%.

Trong khi đó, cổ phiếu hạng A được phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài ban đầu và nhà đầu tư đại chúng với tỷ lệ thực hiện quyền khác nhau. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài ban đầu nắm 84,2% lợi ích kinh tế và 41,3% quyền biểu quyết, còn các nhà đầu tư đại chúng chỉ nắm 15,8% lợi ích kinh tế và 7,7% quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, danh sách những cổ đông chủ chốt sở hữu cổ phiếu hạng A của VNG Limited ghi nhận sự xuất hiện của những tập đoàn hàng đầu Trung Quốc như Tencent, Ant Group và các quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore là Temasek và GIC.

Trong đó, Tập đoàn Công nghệ Tencent của tỷ phú Mã Tử Đằng nắm giữ 65,15 triệu cổ phiếu loại A của VNG thông qua 2 pháp nhân là Tenacious Bulldog Holdings và Prosperous Prince Enterprises Limited. Với việc nắm giữ 47,4% số lượng cổ phiếu loại A, tỷ lệ thực hiện quyền biểu quyết của Tencent là 23,2%.

Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC (thông qua Gamvest Pte) sở hữu 15,25 triệu cổ phiếu loại A, tương đương 5,4% quyền biểu quyết; còn Seletar Invesments (công ty con của Temasek) sở hữu 9,44 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 3,4% quyền biểu quyết.

Còn Tập đoàn Tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma nắm giữ 7,77 cổ phiếu loại A, tương ứng 2,8% quyền biểu quyết.

Cũng cần nói thêm, bên cạnh số cổ phiếu hiện hữu, VNG Limited sẽ phát hành thêm 7,5 triệu cổ phiếu cho Tencent sau khi hoàn tất IPO. Theo đó, hai tập đoàn của Trung Quốc là Tencent và Ant Group sẽ sở hữu gần 73 triệu cổ phiếu hạng A, tương đương 53,1% lợi ích kinh tế của VNG Limited. Dù vậy, hai đơn vị này chỉ nắm giữ 26% quyền biểu quyết.

Với tỷ lệ biểu quyết 51%, 2 nhà sáng lập VNG là ông Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải vẫn sẽ là những người có tiếng nói trọng yếu trong các quyết sách quan trọng của VNG Limited.

Thế khó của “kỳ lân công nghệ” VNG trong cuộc IPO đất Mỹ

VNG đã bỏ lỡ “bữa tiệc” IPO ở Đông Nam Á vốn được Grab khởi động vào tháng 12/2021, và đang chuẩn bị niêm yết ...

Truyền thông quốc tế: Nhiều khả năng VNG phải gác kế hoạch IPO tại Mỹ sang năm 2024

Hôm nay (22/9), truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin “kỳ lân công nghệ” Việt Nam - VNG đã quyết định hoãn kế hoạch ...

Doanh nghiệp tuần qua: VinFast rậm rịch xuất khẩu 3.000 ô tô điện sang châu Âu

Sau những tín hiệu khởi sắc về doanh thu, đặc biệt là từ việc bán ô tô điện, VinFast đặt mục tiêu xuất khẩu 3.000 ...

Hà Lê