Làm thế nào để hạ nhiệt giá dầu thế giới?

Cập nhật: 14:21 | 06/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong báo cáo được Bloomberg trích dẫn ngày 5/7, Citigroup cho biết, giả định cho dự báo giá dầu giảm về mức 65 USD/thùng vào cuối năm nay và ở mức thấp 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu thế giới bước vào thời kỳ suy thoái khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.

Nga giảm sâu sản lượng: Giá dầu có thể vọt lên 380 USD/thùng?

Giá xăng dầu hôm nay 5/7/2022: Điều chỉnh giảm nhẹ

Giá xăng dầu hôm nay 6/7/2022: Đồng loạt tăng vọt

Các chuyên gia phân tích của Citigroup cho biết: "Đối với dầu mỏ, lịch sử cho thấy nhu cầu về dầu sẽ chỉ giảm khi có suy thoái kinh tế toàn cầu". Tuy nhiên, theo ngân hàng này, giá dầu giảm trong tất cả các cuộc suy thoái gần bằng với mức chi phí cận biên (tức phần chi phí tăng thêm khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm).

Mặc dù cảnh báo thị trường dầu có thể sụp đổ trong trường hợp suy thoái, song các nhà phân tích của Citi vẫn không cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái đã khiến giá dầu đi xuống trong những tuần gần đây. Và thực tế giá dầu đã chứng kiến mức giảm hàng tháng trong tháng 6, lần đầu tiên sau 8 tháng khi thị trường bắt đầu lo lắng về các đợt tăng lãi suất mạnh tay của các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Fed, để kiềm chế giá tiêu dùng đang tăng cao nhất trong 4 thập kỷ tại các nền kinh tế phát triển.

Theo CNN, hôm qua lần đầu tiên trong gần 2 tháng, giá dầu đã xuống ngưỡng 100 USD/thùng, phản ánh lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư về suy thoái kinh tế Mỹ có thể làm giảm nhu cầu về dầu.

Đóng cửa phiên hôm qua tại thị trường Mỹ, giá dầu WTI đã giảm 8% xuống mức 99,50 USD/thùng. Trước đó, dầu WTI có lúc giảm hơn 10% xuống mức 97,43 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm hơn 10% xuống mức thấp nhất trong ngày là 101,1 USD/thùng.

Lần đầu tiên kể từ ngày 11/5, giá dầu WTI của Mỹ giảm xuống dưới 100 USD/thùng và cũng là lần đầu tiên dầu Brent giao dịch dưới mức 102 USD/thùng. Trước đó, dầu Brent đã xuống ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 25/4.

Mặc dù giá dầu đã giảm trong nhiều tháng, song Ed Morse, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citi, vẫn cho rằng giá dầu vẫn đang được định giá cao và mức hợp lý phải là 70 USD/thùng.

Một số ngân hàng khác lại lạc quan hơn về giá dầu, đặc biệt là Goldman Sachs. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs Jeffrey Currie tuần trước cho biết, các rủi ro tăng giá đối với dầu và sản phẩm lọc hóa dầu "hiện vẫn rất cao". Theo ngân hàng phố Wall này, sự sụt giảm gần đây của giá dầu là cơ hội mua vào bởi giá sẽ còn cao hơn vào mùa hè này.

"Cuối cùng, hãy nhớ rằng, cách duy nhất để giải quyết những vấn đề này là tăng cường đầu tư. Vì vậy chúng tôi vẫn cho rằng giá dầu sẽ tăng lên 140 USD/thùng, phá vỡ mức kỷ lục, vào mùa hè này và thậm chí các sản phẩm hóa dầu, giá sẽ còn tăng hơn nữa", ông Currie nói với CNBC.

Trước đó, Bloomberg cũng dẫn cảnh báo của các nhà phân tích JPMorgan cho rằng giá dầu toàn cầu có thể vọt lên mức 380 USD/thùng nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Nga cắt giảm sản lượng để trả đũa.

Trước đó, đã có nhận định giá Brent sẽ giao động trong biên độ 107 - 121 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu thế giới mở cửa tuần giao dịch có những phiên tăng tăng trưởng khá mạnh mẽ, có thời điểm vượt 116 USD/thùng (+3,5%), tuy nhiên, thị trường hàng hóa, chứng khoán thế giới vẫn chưa thể thoát khỏi lo ngại thắt chặt chính sách tiền tệ như tăng LSCB, và nguy cơ kinh tế Mỹ/EU rơi vào suy thoái.

Chỉ số chứng khoán S&P 500 mất 20,6% trong 6 tháng đầu năm 2022 - kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1970, Dow Jones - giảm 15,3% (1962), chỉ số giá kim loại cơ bản sụt giảm gần 25% (2008), trong khi Brent tăng hơn 40%.

Nhìn chung, giá dầu thế giới vẫn đang được hỗ trợ tích cực bởi nguồn cung hạn chế, khả năng gia tăng công suất khai thác chỉ còn lại tại một số nhà sản xuất lớn như KSA, UAE, Mỹ, LB Nga và Canada, nhưng trong ngắn hạn, ngay cả KSA và UAE cũng đang cạn kiệt. Ngoài ra, những bất ổn chính trị kéo dài tại Libya không cho phép quốc gia này duy trì sản xuất ổn định, chưa nói đến đầu tư phát triển, các thành viên OPEC còn lại như Iraq, Nigeria, Angola đều đang gặp vấn đề trong duy trì sản lượng.

Việc Phương Tây trừng phạt công nghệ/kỹ thuật/thiết bị lĩnh vực dầu khí LB Nga càng làm trầm trọng thêm khả năng gia tăng nguồn cung dài hạn. Ngân hàng JPMorgan cảnh báo giá dầu thế giới có thể bật tăng ngoài sự tưởng tượng lên 190-380 USD/thùng trong trường hợp LB Nga quyết định cắt giảm khai thác 3-5 triệu bpd, đáp trả các biện pháp trừng phạt của Phương Tây (cấm vận XNK, áp giá trần giao dịch).

Những yếu tố trên kết hợp cùng bất ổn an ninh khu vực (Ecuador, Peru) và dự trữ dầu mỏ OECD/Mỹ liên tục sụt giảm đang hiện thực hóa dự báo Goldman Sachs về giá dầu Brent 140 USD/thùng trong tháng 7 này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Minh Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm