Lạm phát tháng 1/2023 tăng cao do đâu?

Cập nhật: 15:46 | 31/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù CPI tháng 1 có vẻ cao so với cùng kỳ năm trước song cần lưu ý đến đặc điểm năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 chứ không phải tháng 2 như các năm. Vì vậy, mức tăng này chủ yếu mang tính thời vụ.

25.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2023

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21%.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến lạm phát tháng 1/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do đây tháng có Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết. Đồng thời, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2023.

Mức tăng CPI tháng Tết mang tính thời vụ
Mức tăng CPI tháng Tết mang tính thời vụ

Theo đó, trong mức tăng 0,52% của CPI tháng 1/2023 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm và một nhóm hàng giữ giá ổn định.

8 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,39%, đóng góp 0,13 điểm % vào mức tăng chung của CPI; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày déptăng 0,62%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36% và Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù CPI tháng 1 có vẻ cao so với cùng kỳ năm trước song cần lưu ý đến đặc điểm năm nay Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 chứ không phải tháng 2 như các năm. Vì vậy, mức tăng này chủ yếu mang tính thời vụ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, thoạt nhìn có vẻ cao, nhưng thực chất là thấp so với các năm trước. Mức tăng này chủ yếu mang tính mùa vụ chứ không phản ánh sự mạnh mẽ của sức cầu. Tết năm nay rơi vào tháng 1, trong khi Tết các năm khác chủ yếu rơi vào tháng 2.

"Nếu muốn so sánh thì cần xem CPI tháng Tết của các năm trước tăng so với tháng trước thế nào. Ví dụ, tháng Tết năm 2020 (tháng 1) CPI tăng 1,23%, tháng Tết năm 2021 (tháng 2) CPI tăng 1,52%, tháng Tết năm 2022 (tháng 2) tăng 1%. Các mức tăng này là lớn hơn nhiều so với năm nay", PGS. TS. Phạm Thế Anh nói.

Vị chuyên gia này đánh giá, với điều kiện lãi suất, thu nhập, và giá trị vốn hóa của các thị trường tài sản như hiện nay, lạm phát không phải là vấn đề của năm 2023, ngoại trừ một chút rủi ro đến từ việc tăng giá nhiên liệu. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng sẽ nhanh chóng suy giảm.

Tại một cuộc hội thảo đầu tháng 1/2023, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng nhận định, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Chuyên gia dự báo lạm phát so với cùng kỳ năm trước có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó sẽ quay trở lại mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2022, khoảng 3%.

Thu Thủy