Lãi suất tăng, tiền gửi dân cư chảy vào ngân hàng tăng trở lại

Cập nhật: 12:19 | 03/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay trở lại đà tăng kể từ tháng 2/2024 sau khi sụt giảm trong tháng đầu năm, đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2024, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm.

Lãi suất tăng, tiền gửi dân cư chảy vào ngân hàng tăng trở lại
Hình minh họa.

Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm. Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Trong đó, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34.600 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2024, xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng 25 tháng liên tiếp trước đó.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 cũng giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457.000 tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.

Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay trở lại đà tăng.

Trong khi đó, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp tính đến cuối tháng 2/2024 lại giảm mạnh; ở mức 6,52 triệu tỷ đồng giảm 4,66% so với đầu năm. Đà giảm của khối doanh nghiệp kéo tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tính đến tháng 2 giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ vào cuối tháng 1 xuống còn 13,16 triệu tỷ.

Số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý 1/2024 của 27 ngân hàng thương mại trong nước cũng cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với thời điểm cuối năm 2023

Tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn còn thấp dù các nhà băng bắt đầu điều chỉnh tăng trở lại.

Cụ thể, gần đây, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng mặt bằng vẫn thấp quanh 5% một năm.

Gần đây nhất, trong ngày cuối cùng tháng 5/2024, lãi suất huy động của Eximbank được điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 – 2 – 3 tháng hiện lần lượt là 3,1% - 3,3% - 3,4%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 – 9 tháng đã tăng lên 4,2%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng vừa chạm mốc 5%/năm, kỳ hạn 15 tháng 5,1%/năm.

Hiện lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 tháng đã được Eximbank nâng lên 5,2%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về kỳ hạn 24 – 36 tháng, đạt 5,3%/năm.

Cùng ngày, VIB đã có lần thứ 4 tăng lãi suất tính từ đầu tháng 5, ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được VIB công bố, lãi suất các kỳ hạn này đồng loạt được niêm yết tại mức 4,3%/năm.

VIB giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 1-2 tháng có lãi suất 2,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng 3,1%/năm, kỳ hạn 15-18 tháng 4,9%/năm, và lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,1%/năm cho các kỳ hạn 24-36 tháng.

Tính từ đầu tháng 5/2024 tới nay, đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, SHB, MB, Cake by Vpbank, Eximbank.

Lãi suất tiền gửi tăng vọt vượt 6%/năm, dòng tiền có chảy về ngân hàng?

Lãi suất gửi tiết kiệm tăng mạnh trong thời gian gần đây, có nơi cao nhất lên tới 6,2%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng ở ...

Lãi suất tiền gửi dồn dập tăng, người dân lo ngại điều gì?

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có tới khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, mức tăng cao nhất ...

Vân Anh