Lãi suất tăng, khoản vay tỷ USD gây áp lực lên 'sức khỏe' của PV Power

Cập nhật: 21:06 | 21/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VNDirect) dự báo từ năm 2023, khoản vay 1,1 tỷ USD cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ gây áp lực lên tình hình tài chính của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HOSE: POW).

‘Khó trong nhà’, doanh nghiệp Việt ngóng dòng vốn ngoại

Dự báo lãi ròng 2023 hơn 2.700 tỷ đồng

Trong báo cáo mới đây, VNDirect dự phóng năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của PV Power có thể tăng 24% và 61% so với. Cùng kỳ năm trước, đạt 34.008 tỷ đồng và 2.767 tỷ đồng nhờ tổ máy 1 Vũng Áng 1 (600MW) trở lại và 308 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn Điện Việt Lào.

Sang năm 2024, sản lượng bổ sung từ nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ là yếu tố giúp doanh thu và lợi nhuận ròng của PV Power tăng trưởng lần lượt 23% và 15,5% so với cùng kỳ, đạt 42.049 tỷ đồng và 3.197 tỷ đồng.

Mặc dù Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 chưa chốt được các điều khoản về sản lượng trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng có thể vận hành từ quý IV/2022 do tiến độ san lấp, giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn tích cực.

PV Power
VNDirect dự báo từ năm 2023, khoản vay khoảng 1,1 tỷ USd sẽ gây áp lực tài chính cho PV Power.

Áp lực từ việc tăng lãi suất và lỗ tỷ giá

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, VNDirect dự báo từ năm 2023, các khoản vay bằng USD cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 khoảng 1,1 tỷ USD sẽ gây áp lực lớn hơn lên tình hình tài chính cho PV Power.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu có thể tăng từ 63% trong năm 2022 lên 111% trong năm 2025, điều này làm tăng chi phí tài chính trong giai đoạn đầu tư Capex. Đồng nghĩa với việc, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường lãi suất cao và lỗ tỷ giá có thể gia tăng từ năm 2023 với PV Power.

Về cơ cấu nguồn vốn nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4, VNDirect cho rằng 25% đến từ vốn chủ sở hữu và 75% vốn vay.

Về cơ cấu nợ, khoảng 4.000 tỷ đồng khoản vay thương mại trong nước đang vào giai đoạn cuối cùng chờ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phê duyệt. Phần còn lại (900 triệu USD theo ước tính của VNDirect) là các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA) và vay thương mại.

Theo công ty chứng khoán, các khoản vay ECA sẽ được hưởng chính sách lãi suất thấp nhưng chỉ số đồng USD duy trì ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu tư và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án.

VNDirect giả định, lãi suất cho vay mới sẽ duy trì ở mức 7% với đồng USD tăng giá 1% so với VND vào năm 2023 thì tác động của lỗ tỷ giá hối đoái là khiêm tốn. Song, cứ 1% thay đổi của lãi suất sẽ làm tăng thêm 63 tỷ đồng cho tổng chi phí tài chính của PV Power trong năm 2023.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/12, cổ phiếu POW giảm 2,34% còn 10.450 đồng/đơn vị.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 11 tháng năm 2022, PV Power sản xuất được 12.602 triệu kWh điện. Kết quả, tổng doanh thu của công ty ước đạt hơn 25.387 tỷ đồng.

Trong đó, nhà máy điện Nhơn Trạch 2 là đơn vị có đóng góp lớn nhất vào doanh thu toàn tập đoàn sau 11 tháng, đạt gần 7.887 tỷ đồng, nhà máy điện Cà Mau 1&2 cũng đóng góp gần 6.750 tỷ đồng và nhà máy điện Vũng Áng 1 xấp xỉ 6.300 tỷ đồng.

Về tình hình đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, PV Power cho biết nhà thầu EPC đang xử lý nền , hoàn tất thiết kế để triển khai các bước tiếp theo; tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đảm bảo công tác vận hành an toàn, ổn định các nhà máy điện; phối hợp với PV Gas, TKV, các đơn vị cung cấp dầu để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu (khí, than, dầu) cho các nhà máy điện. Hoạt động nghiên cứu triển khai phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng sẽ được tiếp tục triển khai.

Thảo Nguyên

Tin cũ hơn
Xem thêm