Ngân hàng

Lãi suất ngân hàng hôm nay 28/4: Hạ nhiệt nhưng còn đó nhà băng siêu cao

Ân Thiên 28/04/2025 07:23

Dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhìn chung đã hạ nhiệt, một số ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất trên 6%/năm, thu hút khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi lớn.

Theo khảo sát ngày 28/4, xu hướng giảm lãi suất khiến số lượng ngân hàng duy trì mức lãi suất tiết kiệm từ 6%/năm trở lên đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất đặc biệt cao, chủ yếu dành cho những khách hàng có số tiền gửi lớn.

lai suat 28-4
Ảnh minh họa

Dẫn đầu bảng là ABBank, với lãi suất đặc biệt 9,65%/năm cho khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Tương tự, PVcomBank áp dụng mức 9%/năm cho khách gửi từ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 12-13 tháng. HDBank triển khai mức lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, yêu cầu số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Trong khi đó, Vikki Bank cũng đang niêm yết lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 13 tháng.

Bac A Bank cũng ghi nhận mức lãi suất cao nhất 6,1%/năm tại ba kỳ hạn dài 18, 24 và 36 tháng cho các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng.

Song song với lãi suất đặc biệt, một số ngân hàng vẫn duy trì chính sách ưu đãi cho khách hàng cá nhân. HDBank hiện dẫn đầu với lãi suất trực tuyến 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Vikki Bank cũng áp dụng lãi suất 6%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng trở lên.

VietABank hiện áp dụng mức 6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tuy nhiên từ ngày 28/4 sẽ giảm còn 5,9%/năm. BVBank sau nhiều đợt điều chỉnh đã hạ lãi suất xuống 5,95%/năm cho kỳ hạn 24 tháng đối với tiền gửi online, nhưng vẫn giữ lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 48 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng đối với tiết kiệm thông thường.

Tuy nhiên, so với đầu năm, số ngân hàng niêm yết lãi suất trên 6% đã giảm mạnh do yêu cầu kiểm soát lãi suất huy động nhằm tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng.

Từ cuối tháng 2 đến nay, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có khoảng 30 ngân hàng thương mại thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm phổ biến từ 0,1 - 1,05%/năm. Một số ngân hàng như Eximbank, Kienlongbank thậm chí đã hạ lãi suất nhiều lần.

Mục tiêu của chính sách này là hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 16% trong năm 2025, bằng cách kéo giảm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu vốn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lãi suất huy động liên tục giảm sẽ khiến người dân bớt mặn mà với kênh tiết kiệm, chuyển sang các kênh đầu tư hấp dẫn hơn như vàng hoặc bất động sản, từ đó gây áp lực lên nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động khó giảm thêm, việc cân bằng thanh khoản sẽ là thách thức lớn đối với các ngân hàng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thông thường, lãi suất tiết kiệm giảm sẽ kéo theo lãi suất cho vay giảm sau một độ trễ nhất định. Thế nhưng, với những rủi ro gia tăng từ căng thẳng thương mại quốc tế, đặc biệt khi chính quyền Mỹ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, việc hạ lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn do ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn.

Ông Hiếu cảnh báo, trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh và thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi, việc huy động vốn của ngân hàng sẽ càng thêm khó khăn. Do đó, xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến thực tế của thị trường tài chính quốc tế.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Lãi suất ngân hàng hôm nay 28/4: Hạ nhiệt nhưng còn đó nhà băng siêu cao
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO