Lãi suất ngân hàng hôm nay 24/4: Một “ông lớn” Big4 tăng lãi suất kỳ dài hạn
Một thành viên thuộc nhóm Big4 vừa có động thái tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, giữa bối cảnh mặt bằng lãi suất toàn thị trường đang có xu hướng giảm mạnh.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thị trường tiếp tục duy trì xu hướng giảm, Agribank – một trong bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Big4) – vừa có động thái gây bất ngờ khi điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng. Đây là lần điều chỉnh thứ hai kể từ đầu năm 2025 và Agribank hiện là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 thực hiện tăng lãi suất tiết kiệm.

Cụ thể, Agribank đã nâng lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 12 đến 18 tháng lên mức 4,8%/năm, trong khi kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh lên 4,9%/năm, tăng 0,1 điểm phần trăm so với trước đó. Động thái này đưa lãi suất các kỳ hạn dài tại Agribank quay trở lại mặt bằng cũ trước ngày 3/1, thời điểm mà ngân hàng này từng giảm 0,1%/năm cho các kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng, đồng thời tăng nhẹ lãi suất cho các kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng.
Đáng chú ý, mức lãi suất mới của Agribank hiện cao hơn so với ba "ông lớn" còn lại trong nhóm Big4 là Vietcombank, BIDV và VietinBank ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 đến 2 tháng, mức lãi suất của Agribank đang cao hơn từ 0,4% đến 0,8%/năm so với các ngân hàng còn lại. Ở các kỳ hạn 3 đến 5 tháng, Agribank cũng vượt trội với mức cao hơn từ 0,7% đến 1,1%/năm. Với kỳ hạn 6 đến 9 tháng, mức chênh lệch lãi suất so với Vietcombank, BIDV và VietinBank dao động từ 0,4% đến 0,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài từ 12 đến 18 tháng tại Agribank hiện nhỉnh hơn 0,1 đến 0,2%/năm so với ba ngân hàng còn lại, trong khi lãi suất kỳ hạn 24 tháng ngang bằng với BIDV, cao hơn Vietcombank 0,2% nhưng thấp hơn VietinBank 0,1%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trên toàn thị trường vẫn tiếp tục hạ nhiệt. Xu hướng giảm mạnh của lãi suất huy động được ghi nhận trong nhiều tuần qua sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ lãi suất đầu vào để tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Hiện tại, không còn nhiều ngân hàng duy trì mốc lãi suất từ 6%/năm trở lên. Tuy nhiên, một số nhà băng vẫn giữ mức lãi suất cạnh tranh ở một số kỳ hạn nhất định. Chẳng hạn, HDBank đang dẫn đầu thị trường với lãi suất huy động trực tuyến 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất lên đến 8,1%/năm cho khách hàng gửi tại quầy với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên. Vikki Bank niêm yết mức 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và có thể áp dụng tới 7,5%/năm với khách hàng đủ điều kiện. VietABank vẫn duy trì mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với hình thức gửi trực tuyến.
Trong khi đó, BVBank sau nhiều lần điều chỉnh đã hạ lãi suất kỳ hạn 24 tháng xuống còn 5,95%/năm, nhưng vẫn giữ các mức 6%/năm và 6,1%/năm lần lượt cho kỳ hạn 48 tháng và 60 tháng. Một số ngân hàng như SCB vẫn có chính sách chi trả đặc biệt với mức lãi suất lên tới 6,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu hay điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, ở các kỳ hạn còn lại, lãi suất tại SCB chỉ đạt khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mặt bằng chung của thị trường.