Lãi suất chạm đáy, hơn 6,44 triệu tỷ đồng của người dân vẫn “chảy mạnh” vào ngân hàng

Cập nhật: 17:10 | 27/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Bất chấp lãi suất huy động giảm chạm đáy, lượng tiền gửi của cả người dân và các tổ chức kinh tế vào ngân hàng vẫn tăng mạnh.

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới gây tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước. Điều này khiến cho tâm lý đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản... sẽ chứa nhiều rủi ro, do đó người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo an toàn tài sản tài sản.

Lãi suất chạm đáy, hơn 6,44 triệu tỷ đồng của người dân vẫn “chảy mạnh” vào ngân hàng
Hình minh họa.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022, tương ứng tăng hơn 583.494 tỷ đồng. Tính riêng tháng 9/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 217.353 tỷ đồng trong tháng 9. Trước đó, trong tháng 8 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng tới 103.501 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 6,23 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,65% so với cuối năm ngoái.

Tính chung, tiền gửi của cả dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết quý 3/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm.

Theo khảo sát về lãi suất huy động, trong tháng 9/2023, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất huy động. Trong đó, MB, OCB, ACB, Techcombank, Nam A Bank và GPBank đã hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng. Hầu hết các ngân hàng đều đưa mức lãi suất huy động cao nhất chỉ quanh 6 - 6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Trong khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hiện Vietcombank có mức lãi suất thấp nhất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng với lãi suất 5%/năm, còn kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,9%/năm. Kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2,9%/năm.

Tại các ngân hàng BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động có cao hơn, như kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/ năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm…

Với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3 - 5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng. Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3 trở lại đây.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi cho thấy tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng. Điều này nói lên rằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác nói chung hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhập cuộc đua lãi suất, hỗ trợ nhà đầu tư bứt tốc giao dịch

Thời điểm cuối năm 2023, Công ty Chứng khoán Vietcombank mang lại các chính sách lãi suất cạnh tranh, hỗ trợ tối ưu cho các ...

Tận dụng ưu đãi khi thị trường chứng khoán cởi bớt được những áp lực vĩ mô

Thị trường hồi phục, việc tận dụng đòn bẩy margin vào đúng lúc, đúng mã sẽ giúp nhà đầu tư đạt hiệu suất kỳ vọng ...

Thu Thảo

Tin cũ hơn
Xem thêm