Lãi ròng 2024 Cao su Đồng Phú (DPR) giảm 6,5% sau kiểm toán

29/03/2025 15:19

Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) giảm 6,5% sau kiểm toán do trích lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ. Dù vậy, công ty vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận năm và ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm gần đây.

Công ty CP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ đồng. Con số này thấp hơn gần 18 tỷ đồng so với mức 279 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó, tương ứng mức điều chỉnh giảm khoảng 6,5%.

DPR vẫn vượt 18% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024

Theo lý giải từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chênh lệch là do khoản trích lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ với giá trị hơn 29 tỷ đồng, tương đương 10% lợi nhuận tính thuế. Khoản chi phí này được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, khiến mục tiêu chi phí này sau kiểm toán tăng 26% so với báo cáo ban đầu.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh sau kiểm toán vẫn cho thấy một năm tăng trưởng tích cực đối với DPR. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2024 đạt 1.224 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 262 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2023 và là mức cao nhất mà công ty đạt được trong ba năm gần đây.

Mặc dù sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 có phần suy giảm so với năm trước, DPR vẫn ghi nhận mức tăng giá bán bình quân đáng kể, cao hơn tới 39%. Nhờ vậy, biên lợi nhuận được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh tích cực.

Đáng chú ý, năm 2024, DPR đặt ra kế hoạch khá thận trọng với doanh thu mục tiêu 843 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành vượt 45% chỉ tiêu doanh thu và vượt 18% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế – xét theo số liệu sau kiểm toán.

Triển vọng ngành cao su năm 2025

Triển vọng ngành cao su thiên nhiên trong năm 2025 đang được đánh giá tích cực, đặc biệt là về mặt giá bán. Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), giá cao su tự nhiên chủng loại SVR10 nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 1,8 USD/kg ít nhất đến hết quý II/2025. Diễn biến này được hỗ trợ bởi sự kết hợp của yếu tố cung suy giảm trong ngắn hạn và cầu tiêu thụ ổn định trên thị trường toàn cầu.

Về phía nguồn cung, PHS cho biết thị trường đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm cao su kéo dài từ cuối năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết bất lợi và dịch bệnh cây trồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của ba quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới gồm Thái Lan, Indonesia và Bờ Biển Ngà – vốn chiếm tới 61% tổng sản lượng toàn cầu trong năm 2023. Các khu vực này chứng kiến sản lượng suy giảm mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025 do mưa bão kéo dài, bệnh lá lan rộng và diện tích trồng thu hẹp.

Ngoài ra, theo chu kỳ sinh trưởng tự nhiên của cây cao su, giai đoạn nghỉ khai thác từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm để cây thay lá trước mùa vụ mới cũng sẽ khiến sản lượng không thể phục hồi ngay trong nửa đầu năm. Do đó, nguồn cung trên thị trường được dự báo chỉ có thể bắt đầu tăng trở lại từ tháng 6/2025.

Trong khi đó, nhu cầu cao su nguyên liệu vẫn giữ mức ổn định nhờ sự phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô – lĩnh vực chiếm tỷ trọng tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, hoạt động sản xuất và tiêu thụ xe ô tô tiếp tục cải thiện. Theo dự báo của S&P Global Mobility, doanh số ô tô toàn cầu trong năm 2025 có thể đạt 89,6 triệu xe, tăng 1,7% so với năm trước, ngang bằng tốc độ tăng trưởng năm 2024.

Đáng chú ý, các yếu tố địa chính trị và thương mại gần đây, bao gồm việc Mỹ áp thuế nhập khẩu mới từ tháng 2/2025 đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico, theo PHS, sẽ không gây tác động tiêu cực lớn đến nhu cầu tiêu thụ cao su. Thay vào đó, làn sóng chuyển dịch sản xuất có thể mang lại cơ hội cho ngành cao su Việt Nam.

Thực tế, trong hai tháng cuối năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận thêm hai dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất lốp xe là giai đoạn 2 của Haohua Tire tại tỉnh Bình Phước và dự án mở rộng của Kumho Tire tại Bình Dương. Khi hoàn tất, tổng công suất tăng thêm khoảng 15 triệu lốp xe mỗi năm – tương đương 39% tổng sản lượng lốp ô tô Việt Nam sản xuất trong năm 2023. Theo PHS, đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng tiêu thụ cao su nội địa sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.

Thu Hà

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lãi ròng 2024 Cao su Đồng Phú (DPR) giảm 6,5% sau kiểm toán
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO