Kỳ vọng sóng hồi sẽ tới với thị trường chứng khoán hôm nay
Sau một phiên giảm sâu của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đang rất quan tâm rằng, liệu sóng hồi có đến hay quán tính giảm điểm sẽ tiếp tục kéo VN-Index về vùng 1.200.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 3/4 ghi nhận phiên giao dịch tiêu cực nhất kể từ đầu năm, khi nhà đầu tư phản ứng mạnh trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam với mức có thể lên tới 46%. VN-Index đóng cửa giảm sâu 87,95 điểm (tương đương 6,68%), xuống còn 1.229,84 điểm – mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng và “cuốn bay” toàn bộ thành quả tích lũy kể từ giữa tháng 1/2025.
Trên sàn HoSE, áp lực bán lan rộng khiến toàn bộ thị trường chìm trong sắc đỏ, với 517 mã giảm, trong đó có tới 263 mã giảm sàn. Chỉ 13 cổ phiếu giữ được sắc xanh. Thanh khoản thị trường bùng nổ, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 39.630 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,76 tỷ đơn vị – mức thanh khoản cao kỷ lục.

Đánh giá về diễn biến thị trường, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS nhận định: "VN-Index – chỉ số đại diện tất cả cổ phiếu sàn HoSE, đã gần như có một phiên giảm sàn. Tâm lý nhà đầu tư đang trở nên rất bi quan".
Ông Sơn cũng cho biết thanh khoản khớp lệnh vượt 39.000 tỷ đồng cho thấy áp lực bán ngắn hạn vẫn rất lớn.
"Thêm vào đó, việc hầu hết các nhóm ngành với 600 mã giảm điểm cho thấy nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ. Cùng với lực bán của nhà đầu tư trong nước, phải kể đến khối ngoại cũng bán 3.700 tỷ đồng trên toàn thị trường", ông Sơn nói.
Sau một phiên giảm sâu, ông Sơn dự báo thị trường sẽ tiếp tục rung lắc trong vài phiên tới. "Hoạt động call margin có thể diễn ra. Trong tình huống đó, thị trường có thể chịu ảnh hưởng thêm một vài phiên nữa rồi mới lấy lại điểm cân bằng. Kỳ vọng vùng 1.188 – 1.230 điểm sẽ là vùng rung lắc mạnh và VN-Index tạo đáy quanh đây. Do đó, nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao nên chờ đợi một số phiên tới".
Ông Sơn cũng đề cập tới một thông tin tích cực trong ngày là việc Chính phủ đã thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý vấn đề thuế quan. Đây được xem là tín hiệu cho thấy khả năng Việt Nam có thể đàm phán để điều chỉnh mức thuế trong thời gian tới, mở ra kỳ vọng thị trường sớm hồi phục.
Một yếu tố kỹ thuật cũng được ông Sơn nhấn mạnh là việc VN-Index “mở GAP” giảm mạnh trong phiên 3/4: "Thị trường giảm nhanh và tăng sẽ nhanh trở lại. Do đó, nhà đầu tư có thể canh mua ở vùng hỗ trợ quan trọng là 1.200 (+/- 20 điểm). Những nhà đầu tư còn giữ cổ phiếu tỷ trọng cao có thể bán cổ phiếu trong các nhịp hồi của thị trường. Việc bán hoảng loạn khi mọi sự đã qua có thể dẫn đến việc bán đúng đáy".
Đồng thời, ông Sơn khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát thêm thanh khoản: "Đáy điểm số cũng sẽ là đáy thanh khoản. Đó là tình trạng nhà đầu tư đã cắt lỗ hết và một lượng lớn nhà đầu tư chờ mua nên thanh khoản sẽ giao dịch một cách từ từ. Do đó, ở vùng chiết khấu sâu cần giải ngân từng phần và theo dõi thêm thị trường. Xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn là đi lên".
Ngoài ra, việc hệ thống KRX chuẩn bị đi vào vận hành trong tháng 5/2025 cùng với khả năng được FTSE nâng hạng trong tháng 9 là điểm sáng dài hạn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. “Đây sẽ là kỳ vọng lớn giúp VN-Index rời khỏi vùng điều chỉnh và lấy lại đà tăng”, ông Sơn nhận định thêm.
Có cái nhìn tương đối lạc quan, ông Lê Vũ Kim Tinh, Giám đốc chi nhánh Chứng khoán Phú Hưng kỳ vọng áp lực xả hàng sẽ lắng dịu khi những nhà đầu tư mua cổ phiếu bằng "tiền tươi thóc thật" thay đổi trạng thái. Họ từ hoang mang, bán bớt danh mục sang chấp nhận lỗ, mua thêm để bình quân giá và chờ gỡ gạc khi thị trường hồi phục.
Ông nói thêm biên độ giảm bao nhiêu không quan trọng trong giai đoạn này, bởi thị trường vừa có một phiên vượt ngoài mọi dự đoán. Tuy nhiên, nếu phải chọn một điểm dừng cho VN-Index, ông Tinh nói 1.200 điểm là hợp lý, tức giảm khoảng 30 điểm.
Thậm chí, nếu không có những thông tin hỗ trợ đáng kể về mặt vĩ mô, chỉ số có thể mất thêm 10-15% trong tuần sau, thủng vùng 1.100 điểm.