Kỳ vọng cổ phiếu dệt may bùng nổ trong năm 2023

Cập nhật: 10:39 | 10/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Việc sụt giảm lợi nhuận trong quý I của các doanh nghiệp dệt may khiến của cổ phiếu ngành này bị đặt dấu hỏi về khả năng bứt phá trong năm nay...

Lợi nhuận quý I giảm sâu

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay khan hiếm. Trong đó đáng chú ý, giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong 4 tháng giảm mạnh 19,3%, xuống chỉ còn 9,571 tỷ USD. Theo đó, báo cáo kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đều giảm đáng kể. Chẳng hạn, quý I/2023, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) cho biết, doanh số và giá bán bình quân của công ty thấp hơn cùng kỳ do khách hàng thu hẹp quy mô đơn hàng. Chi phí tài chính, bán hàng, quản lý đã tiết giảm so với cùng kỳ, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế vẫn không thể cải thiện.

Kết quả, doanh thu thuần của Sợi Thế Kỷ giảm 352 tỷ đồng, tương ứng 55% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm tới 94 tỷ đồng, tương ứng 84%. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 98% (74,6 tỷ đồng), xuống còn 1,6 tỷ đồng.

Kỳ vọng cổ phiếu dệt may bùng nổ trong năm 2023

Tương tự, Công ty CP May Sông Hồng (MSH) báo cáo doanh thu và lợi nhuận 3 tháng đầu năm giảm lần lượt 51% và lợi nhuận 67%, nguyên nhân là do đơn hàng sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng. Sau thuế, lợi nhuận giảm còn 27,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là gần 82 tỷ đồng.

Cũng trong quý I, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) báo doanh thu thuần 876 tỷ đồng và lãi ròng 55 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 26% so với cùng kỳ.

Thậm chí, Công ty CP Garmex Sài Gòn (GMC) còn báo lỗ sau thuế 20,6 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước (lỗ 8,1 tỷ đồng). Doanh thu sụt giảm tới 94%, chỉ còn 7,9 tỷ đồng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đơn hàng lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp.

Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên doanh nghiệp may mặc này báo lỗ. Sau kiểm toán, Garmex Sài Gòn lỗ gần 85 tỷ đồng. Theo đó, Garmex Sài Gòn đã chuyển từ lãi lũy kế hơn 233 tỷ đồng sang lỗ lũy kế hơn 19 tỷ đồng. Cũng chính vì vậy, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GMC đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/4 vừa qua.

Cùng cảnh ngộ, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL) công bố BCTC quý I/2023 với mức lỗ lên tới gần 39 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử niêm yết của công ty.

Chiều ngược lại, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho biết doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 lần lượt tăng gần 6% và 14% so với cùng kỳ, bất chấp các khó khăn chung toàn ngành dệt may.

Còn đó khả năng hồi phục

Nhìn chung, ngành sản xuất Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, chỉ số PMI trong 2 tháng gần nhất dưới 50 và số lượng đơn hàng đặt mới trong 2 vụ xuân hè, thu đông đều ghi nhận ở mức thấp, cho thấy triển vọng của ngành dệt may cần đẩy xa hơn về những quý cuối năm.

Nhu cầu nhập khẩu còn yếu, xuất phát từ nỗi lo suy thoái của các nền kinh tế Mỹ - Âu, người dân thận trọng hơn khi chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu, trong khi thị trường Trung Quốc cần thời gian để thực sự hồi phục mảng mua sắm, bán lẻ sau thời kỳ đóng cửa chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu dệt may gần đây nhận được sự quan tâm của dòng tiền, đặc biệt là ở các mã TNG, TCM, VGT (Tập đoàn Dệt may Việt Nam).

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, nhóm dệt may còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023 khi tình hình xuất khẩu chưa mấy khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã có mức chiết khấu đủ sâu đưa định giá về mức phù hợp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cho thấy sự tích cực hơn trong hoạt động kinh doanh khi đơn hàng các quý tới đang có dấu hiệu phục hồi.

Thực tế, số liệu kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu xơ sợi các loại và hàng dệt may có dấu hiệu hồi phục về sản lượng, xác nhận thiết lập mức đáy trong tháng 1/2023. Trung Quốc là thị trường hồi phục rõ nét nhất ở mảng xơ sợi nhờ việc mở cửa toàn bộ nền kinh tế, trong khi thị trường Mỹ cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may quay trở lại.

Cùng với đó, ngành dệt may xuất hiện điểm sáng ở biên lợi nhuận gộp. Trong mảng xơ sợi, giá bông giảm gần 50% so với mức đỉnh năm 2022; ngược lại, giá sợi cotton và vải cotton hồi phục khoảng 10%.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS) cho biết, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I ước đạt 8,07 tỷ USD, giảm gần 18,7% so với cùng kỳ. Điều này xuất phát từ sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như EU, Mỹ trước các đợt tăng lãi suất liên tục từ năm 2022.

Dù vậy, trong kịch bản lạc quan, các ngân hàng trung ương kết thúc giai đoạn cuối của chính sách thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ giúp các đơn hàng dệt may sẽ trở lại từ tháng 7 - 8. Bên cạnh đó, việc giá sợi bông hạ nhiệt từ đầu năm cũng dự kiến giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.

Đồng quan điểm, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC cho rằng, trong trường hợp sản lượng hồi phục, kết hợp với biên lợi nhuận đã và đang dần cải thiện, kỳ vọng sẽ giúp cho ngành dệt may bùng nổ và ghi nhận dấu ấn trong năm 2023.

“Trong trường hợp sản lượng hồi phục, kết hợp với biên lợi nhuận cải thiện, ngành dệt may năm 2023 có thể sẽ khởi sắc. Một số cổ phiếu dệt may đáng quan tâm là STK, HTG (Dệt may Hòa Thọ), TNG, TCM. Nhà đầu tư có thể mở các vị thế giải ngân trung và dài hạn để đón đầu cơ hội”, chuyên gia DSC khuyến nghị.

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 9/5/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin gửi đến quý độc giả các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày ...

Chứng khoán Maybank: Tâm điểm đầu tư tháng 5 gọi tên hai cổ phiếu bất động sản

Với khả năng cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 5, Chứng khoán Maybank nhắc lại quan điểm tích cực đối ...

SGI Capital: Thị trường chứng khoán còn nhiều rủi ro, NĐT nên kiên nhẫn và chọn lọc cơ hội

SGI Capital cho rằng doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp lực trái phiếu đáo ...

Nhật Hải

Tin liên quan