Ký ức buồn về cổ phiếu Đạm Cà Mau

Cập nhật: 07:30 | 05/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau là một mã cổ phiếu để lại nhiều ấn tượng đối với tôi. Hai năm trở lại đây, DCM duy trì tốc độ tăng giá ổn định, giúp cho các nhà đầu tư gắn bó thu về một khoản lãi lớn, và động lực tăng giá đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp.

Nỗi buồn mang tên Đạm Cà Mau - DCM (Ảnh minh họa)

Giá cổ phiếu tăng hay giảm đôi khi không phụ thuộc vào giá trị nội tại doanh nghiệp mà phụ thuộc vào mối quan hệ tiền – hàng trên thị trường, Ảnh minh họa

Hiện nay, thị trường chứng khoán vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế cho thấy DCM vẫn là mã cổ phiếu thu hút mạnh dòng tiền.Với cá nhân tôi, trong quá khứ thì DCM lại mang đến kỷ niệm buồn, để lại bài học nhớ đời.

Nhìn lại năm 2015, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, nhưng thị trường chứng khoán lại có đà tăng không tương xứng, do phải chịu tác động tiêu cực từ nhiều phía. Thị trường cổ phiếu phân hóa khi có cổ phiếu tăng mạnh, cổ phiếu đi ngang và giảm điểm. Trong năm này xuất hiện một con sóng rất đặc thù: sóng cổ phiếu mới chào sàn.

Theo đó, không ít mã cổ phiếu cứ lên sàn là có chuỗi tăng điểm ấn tượng, dù chỉ là con sóng lăn tăn, trong một phạm vi nhất định, nhưng nếu may mắn chớp được cơ hội thì nhà đầu tư sẽ dễ dàng cải thiện thu nhập. Điển hình như cổ phiếu NCT – hay thường gọi vui là “Người Cao Tuổi” của Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài, một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và tiến hành niêm yết trên sàn.

NCT chào sàn ngày 8/1/2015 với giá tham chiếu 75 đồng/cp, và chỉ mất vài ngày đó đã tiến về “đỉnh” với giá 116.000 đồng/cp – xác lập vào phiên 14/1. Sau lần tăng kịch biên độ 20% vào ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu này tiếp tục chạm trần ở 4 phiên kế tiếp, tạo ra chuỗi tăng ấn tượng với bất cứ “tân binh” cùng thời nào. Tuy nhiên, thanh khoản của NCT lại khá thấp, có nhiều nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu đã được “tiết cung” khá tốt, tạo ra tình trạng khan hàng và thuận lợi cho việc đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Tương tự như trường hợp của NCT, CDO của Công ty CP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị cũng có loạt phiên tăng điểm đáng nhớ. So với mức giá “chào sân” HOSE ngày 9/3/2015 là 15.000 đồng/cp, CDO chỉ mất 4 ngày đã được thị trường định giá ở mức 21.900 đồng/cp. Đặc biệt với 20 triệu cổ phiếu lưu hành, thanh khoản của CDO lên đến hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên, cho thấy sức hấp dẫn của doanh nghiệp Hà Nội này.

Còn rất nhiều các mã cứ chào sàn là gây ấn tượng mạnh với thị trường bởi chuỗi tăng dài đằng đẵng, chẳng hạn như TA9, PDB… và đặc biệt là một mã rất được mong chờ vào thời điểm đó, chính là DCM của Đạm Cà Mau.

Tôi và các “đồng đội” tìm đến DCM từ khi nghe tin doanh nghiệp rục rịch niêm yết. Khi đó, một môi giới OTC cho tôi biết đã tìm được nguồn hàng DCM với khối lượng 80.000 cổ phần. Do cần tiền ngay nên người bán không muốn bán lô lẻ, tôi phải chấp nhận trả giá 15.000đ/cp và “gồng mình” huy động anh em, bạn bè và vay lãi suất cao để đầu tư. Đây là mức giá cao, trước đó DCM được đấu giá thành công với giá trúng bình quân hơn 12.000 đồng/cp.

DCM đã hoàn toàn “chinh phục” tôi bởi kỷ lục niêm yết quá nhanh, các công đoạn từ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cho đến khi giao dịch trên sàn chỉ đâu đó 3-4 tháng. Nắm giữ lượng cổ phần không nhỏ, cứ nghĩ đến ngày giao dịch đầu tiên với biên độ tăng trần 20%, tôi cảm thấy trong người lâng lâng, vui sướng và chỉ nghĩ rằng sắp được đổi đời. Và rồi ngày chào sàn cũng đến!

Ngày 31/3/2014, hơn 500 triệu DCM “đổ bộ” vào sàn HOSE với giá tham chiếu 14.500 đồng/cp. Tôi định bụng sẽ bán ngay toàn bộ cổ phiếu trong phiên này, với con số ước lãi khoảng 15-20%. Dẫu sao, tôi cũng không thể cầm cổ phiếu quá lâu, bởi sức ép vay lãi suất cao và ngay từ đầu đã xác định chỉ “lướt sóng”.

Thế nhưng mọi việc diễn ra hoàn toàn trái ngược theo tính toán của tôi. Từ khi mở bán, cả phiên giao dịch chưa lúc nào DCM hồi được về mức giá tham chiếu. Đã có một lượng hàng khổng lồ được mang ra bán tháo, tổng khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị. Lực cung quá lớn để có thể hấp thụ, khiến cho giá cổ phiếu DCM giảm 6%, chốt phiên ở mức 13.600 đồng/cp. Tôi đã tiếp tục hy vọng phiên sau cổ phiếu sẽ hồi phục, áp lực bán sẽ giảm dần.

Nhưng thực tế đúng là cơn ác mộng. Ngày hôm sau, DCM “lau sàn” về mốc 12.700 đồng/cp, và tôi đã hoàn toàn choáng váng khi nhìn NAV của mình bị “bốc hơi”. Đến hết năm 2015, DCM vẫn ngật ngưỡng, “loạng choạng” quanh mức 13.000 đồng/cp, và chưa từng giật lại mức giá tham chiếu trong phiên đầu tiên, chứ chưa nói đến mức giá tôi đã mua.

Sau đó, một thông tin vĩ mô bất lợi liên quan đến tỷ giá biến động mạnh đã xuất hiện. Đồng USD tăng mạnh, kết hợp với hiện tượng phá giá bất thường của đồng Nhân dân tệ và việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh tỷ giá VND/USD đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tôi cho rằng với việc vay ngoại tệ lớn nên DCM sẽ bị ảnh hưởng, cùng với áp lực lãi vay mua đầu tư cổ phiếu, tôi đã quyết định “cắt lỗ” ở giá 12.600 đồng/cp và chính thức kết thúc giấc mộng cổ phiếu chào sàn.

Cùng với lãi vay, tôi đã lỗ hơn 200 triệu đồng từ thương vụ DCM. Bài học tôi rút ra là không nên giao dịch một cách “mù quáng” đối với các cổ phiếu mới chào sàn, bởi không phải “chiếc bánh” nào cũng thơm ngon giống nhau, chúng ta cần nắm bắt thói quen giao dịch của các cổ đông, đặc biệt là những cổ đông lớn, có thực quyền trong doanh nghiệp.

Trong trường hợp của DCM, tôi nhận ra rằng “hàng” của DCM nhiều “vô biên”, không giống như các mã đã được “tiết cung” cẩn trọng, dễ dàng nâng giá như trước. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu tăng hay giảm đôi khi không phụ thuộc vào giá trị nội tại doanh nghiệp, mà phụ thuộc vào mối quan hệ tiền – hàng trên thị trường, hay còn gọi là chênh lệch cung – cầu trong kinh doanh.

Đến nay, tôi vẫn luôn theo dõi diễn biến của cổ phiếu DCM và nhớ về bài học khá đắt giá của mình, từ đó giúp tôi vững vàng hơn trong các quyết định đầu tư tiếp theo.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Nếu bạn muốn kể câu chuyện đầu tư của mình, hãy viết bài dự thi vào gửi vào địa chỉ Email: [email protected]; tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ”

Nguyễn Cao Thự (Long Biên, Hà Nội)