'Kỳ lân' VNG làm ăn ra sao khi rục rịch đưa cổ phiếu lên UPCoM?

Cập nhật: 10:09 | 23/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP VNG (VNG) đã trải qua 4 quý lỗ liên tiếp, nâng lỗ luỹ kế lên gần 800 tỷ đồng sau 9 tháng. Công ty tiếp tục gánh lỗ lớn từ các công ty liên kết.

Nhiều ông lớn bất động sản lãi... trên sổ sách

Rục rịch lên UPCoM

Ngày 18/11, VNG - một trong 4 "kỳ lân" (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) cho biết ngày 28/11 tới đây, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch tại UPCoM.

Sau ngày 28/11/2022, VNG sẽ dừng mọi thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu cho đến ngày cổ phiếu được chính thức giao dịch trên sàn UpCom trừ các giao dịch được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trước đó, nhiều nguồn tin nước ngoài đã đưa tin về việc VNG lên kế hoạch thực hiện niêm yết tại Mỹ. Cụ thể, giữa năm 2022, DealStreetAsia cho biết VNG có thể chào bán tới 12,5% vốn cổ phần trong đợt IPO tại Mỹ vào cuối năm 2022.

Tháng 8/2021, Bloomberg cũng đưa tin về việc VNG tìm kiếm cơ hội niêm yết tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng). Định giá của VNG có thể lên đến 2-3 tỷ USD.

Ngoài ra, trước thềm lên sàn, VNG cũng cho biết 3 tổ chức Gamvest Pte. Ltd, Prosperous Prince Enterprises Limited, Tenacious Bulldog Holdings Limited không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

VNG làm ăn ra sao trong 9 tháng năm 2022?

Trước khi rục rịch lên UPCoM, VNG đã kinh doanh thua lỗ nhiều quý liên tiếp.

Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2022 của VNG đạt 2.100 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 943 tỷ đồng, giảm 7%.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính giảm một nửa so với cùng kỳ, còn 23 tỷ đồng. Ngoại trừ chi phí tài chính được tiết giảm đáng kể (còn 695 triệu đồng so với còn số 7,4 tỷ đồng cùng kỳ), các chi phí khác của VNG đều tăng mạnh, như: chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30% lên 380 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 13% lên 715 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản lỗ trong công ty liên kết quý này đã tăng lên 28 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 10 tỷ đồng.

Kết quả, VNG báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 157 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 120 tỷ đồng.

Trong quý phát sinh thêm 29 tỷ đồng chi phí khác cùng 26 tỷ đồng lỗ khác, khiến công ty chịu lỗ trước thuế 184 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 99 tỷ đồng).

Khấu trừ thuế, VNG lỗ sau thuế 254,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 32 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 4 lỗ liên tiếp của công ty kể từ quý IV/2021. Luỹ kế 9 tháng năm 2022, VNG đã lỗ sau thuế tới 764 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 196,5 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419 tỷ đồng.

VNG lên UPCoM
VNG đã có 4 quý lỗ liên tiếp kể từ quý IV/2021, nâng tổng lỗ luỹ kế 9 tháng năm 2022 lên 764 tỷ đồng. Biểu đồ: HT

Được biết, VNG đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng 2022, "kỳ lân" này đã hoàn thành 56,6% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận kế hoạch dự kiến.

Có thể lý giải kết quả kinh doanh sa sút của VNG một phần là do việc kinh doanh kém hiệu quả từ các công ty liên kết. Phần lỗ từ các công ty liên kết này đã nâng lên 82,5 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2022, cùng kỳ lỗ 19 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, VNG đang đầu tư 1.273 tỷ đồng vào các công ty liên kết. Trong đó, đầu tư vào Tiki Global - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki là 510 tỷ đồng và lỗ toàn bộ khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, VNG còn lỗ lũy kế 46 tỷ đồng tại Telio (thương mại điện tử), lỗ 21 tỷ đồng tại Funding Asia (quỹ đầu tư) và lỗ 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)...

Tính đến cuối quý III/2022, VNG ghi nhận đầu tư vào Zion (đơn vị vận hành ví điện tử Zalo Pay) hơn 2.561,5 tỷ đồng, tăng 680,4 tỷ đồng so với cuối năm 2021. VNG đang nắm giữ 65,48% cổ phần của Zion.

Một điểm đáng chú ý khác là dư nợ vay của VNG đã tăng mạnh 2,5 lần so với đầu năm lên 434 tỷ đồng, đều là khoản vay tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

VNG thành công ban đầu với game Võ Lâm Truyền Kỳ và tiếp tục phát hành nhiều game khác tại Việt Nam. Bên cạnh game, công ty này dần mở rộng sang nhiều mảng công nghệ khác như ra mắt trang thương mại điện tử 123mua.vn (sau này bán lại cho FPT), mạng xã hội Zing Me, nền tảng nhạc số Zing MP3, ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay...

Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỷ USD.

VNG hiện hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi: Trò chơi trực tuyến; Nền tảng kết nối; Tài chính & Thanh toán và Dịch vụ đám mây. Công ty này cũng đầu tư vào một số startup như trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa EcoTruck.

Yến Thanh