Giải pháp hữu hiệu cho Thị trường Chứng khoán đang “nóng” từng ngày giữa đại dịch COVID-19:

Kỳ cuối: Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển bền vững

Cập nhật: 07:47 | 11/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Trao đổi về triển vọng thị trường chứng khoán, các chuyên gia nhận định, năm 2021, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển bền vững dựa trên nhiều yếu tố tích cực.

4310-chu-tich-ubcknn
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường, TTCK Việt Nam đã phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục, được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới.

Các yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán được ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu ra như: nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá cao 6,5-6,8% trong năm 2021; các yếu tố vĩ mô khác như tỷ giá, lãi suất, xuất nhập khẩu vẫn được duy trì ở mức tốt; đặc biệt, lãi suất tiếp tục được giữ ở mức thấp...

Đồng quan điểm với ông Dũng, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, năm 2021 khung pháp lý có nhiều thay đổi quan trọng, điển hình như Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực. Do đó, các nhà phân tích của SSI cho rằng, so với năm 2020, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của công ty sẽ tăng lên 23% sau khi giảm 17% trong năm 2020; hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19...

Theo báo cáo Chiến lược thị trường tháng 3/2021 của SSI, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên HOSE phục hồi rất tích cực từ quý IV/2020 đến nay và khả năng tiếp cận vắcxin Covid-19 sắp tới là nhân tố nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn.

Đồng thời, bức tranh vĩ mô lớn hơn đã có những điểm nhấn mới với số liệu 2 tháng đầu năm phát đi những ghi nhận lạc quan về triển vọng GDP quý I/2021 có thể tăng cao hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm nhẹ để hỗ trợ các hoạt động kinh tế tiếp tục hồi phục và cũng tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán.

Theo Báo cáo chiến lược tháng 3/2021 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), môi trường lãi suất thấp vẫn là chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2021. Lãi suất huy động chưa có dấu hiệu tăng lại khi lãi suất huy động kì hạn 6 đến 12 tháng của toàn ngành ngân hàng trong tháng 2 vẫn đi trong biên độ từ 4% đến 6% (so với mức trung bình 6,15% của tháng 2 năm ngoái) và gần như đi ngang so với tháng trước theo số liệu của Fiinpro. Bên cạnh đó, việc thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đợt 3 và các chính sách mở rộng của Chính phủ sẽ ổn định tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính khuyến cáo, trong năm 2021 dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên do nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng nhưng lạm phát cũng có thể tăng theo nên tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn, nhất là với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm và không ưa mạo hiểm. Do đó, về lâu dài, các nhà đầu tư nên cẩn trọng lựa chọn tỷ lệ đầu tư hợp lý, bởi thị trường chứng khoán hay bất động sản đều có nhiều biến động khó đoán định.

Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, những yếu tố tích cực hỗ trợ tới TTCK năm 2021 như: Thứ nhất, tiền rẻ vẫn là điểm tựa rất lớn cho thị trường toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Phần lớn thời gian trong năm 2021, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn ở mức thấp tương đương lãi suất cuối năm 2020. Cuối năm sau, lãi suất có thể nhích nhẹ khi cầu tín dụng, nhu cầu đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp tăng trở lại; Thứ hai, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng mạnh trở lại từ nền thấp của năm 2020, nhờ sự hồi phục đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và sự cải thiện của cầu tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư và xuất khẩu. BVSC dự báo, GDP năm 2021 có thể tăng trưởng trên 7%; Thứ ba, kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam. Bên cạnh xu hướng về dòng tiền chảy vào thị trường mới nổi, BVSC cho rằng, triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố có thể giúp TTCK đón nhận sự trở lại của dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam trong năm 2021; Cuối cùng, là triển vọng hồi phục trên diện rộng của các doanh nghiệp niêm yết. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể lên tới 25%.

Bên cạnh đó, BVSC cũng khuyến cáo, cần lưu ý đến các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra đối với thị trường như các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và Ngân hàng Trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền… Mặc dù xác suất xảy ra các sự kiện này không cao, nhưng nếu nó xảy ra thì đều là những mối nguy cơ có thể tác động tiêu cực đối với diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

4311-chung-khoan-viet-2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 so với năm 2020 bình quân ở mức 16,7%. Trên cơ sở đó, kịch bản cơ sở của năm 2021, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 965-1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân trong khoảng này 14,94 lần). Với kịch bản lạc quan hơn, MBS dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 có thể đạt 19,4%. Trên cơ sở đó, kịch bản lạc quan trong năm 2021 chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 995- 1.230 điểm.

Liên quan đến định giá và triển vọng lợi nhuận năm 2021, theo đánh giá của SSI, ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các công ty niêm yết là 23%, sau khi giảm 17% trong năm 2020. Nếu lấy các chỉ số thị trường ngày 28/12/2020 làm cơ sở để tính toán thì hệ số P/E thị trường năm 2021 sẽ ở mức 16,03 lần. Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, SSI cho rằng, năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư“F0” ngày càng tăng. Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào TTCK sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Kỳ 1: Thị trường sục sôi từng ngày

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn nền kinh tế và sức khỏe của các doanh nghiệp bị tác ...

Kỳ 2: Giải mã dòng tiền “đổ” vào Chứng khoán

Việt Nam được ghi nhận là thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong tháng 5, đồng thời được ...

Minh Anh