Giải pháp hữu hiệu cho Thị trường Chứng khoán đang “nóng” từng ngày giữa đại dịch COVID-19:

Kỳ 2: Giải mã dòng tiền “đổ” vào Chứng khoán

Cập nhật: 17:30 | 10/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Việt Nam được ghi nhận là thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong tháng 5, đồng thời được dự đoán lạc quan cả trong ngắn hạn và dài hạn.

2323-chung-khoan-viet-3
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Chỉ còn kênh chứng khoán hấp dẫn

Tính đến cuối tháng 5-2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,25 triệu tài khoản, trong đó có gần 99% tài khoản của cá nhân trong nước, tăng hơn 742.000 tài khoản so với cùng kỳ năm trước.

Dòng tiền từ trong nước góp sức đẩy các chỉ số chứng khoán tăng mạnh, bất chấp khối ngoại bán ròng. Kết thúc tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư ngoại bán ròng 11.687 tỉ đồng, nhưng sắc xanh vẫn ngập tràn trên thị trường vì nhóm nhà đầu tư cá nhân và tự doanh mua ròng tới 11.704 tỉ đồng.

Dòng tiền đổ vào chứng khoán nhiều, như sáng 1/6 giá trị giao dịch trên sàn HoSE vượt 21.700 tỉ đồng khiến lãnh đạo sàn này phải xin nghỉ phiên chiều để đảm bảo an toàn hệ thống.

Phân tích dòng tiền, theo ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở, Chứng khoán Mirae Asset), hiện dư nợ thống kê thông qua hệ thống ngân hàng, bất động sản vẫn là kênh được người Việt đổ tiền lớn nhất - khoảng 20% tổng dư nợ, tương đương 80 tỉ USD - tính đến cuối quý 1-2021. Nhưng nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng đã thấy chững lại.

Đầu tư vàng cũng sụt giảm rõ rệt. Kênh trái phiếu doanh nghiệp thì Bộ Tài chính siết chặt pháp lý. Kênh gửi tiết kiệm, ông Tuấn cho rằng mức lãi suất 4 - 6% nếu trừ lạm phát và tỉ giá gần như không còn gì nên cũng kém hấp dẫn. Vì vậy, tiền đổ vào nhiều nên chứng khoán nóng.

Theo số liệu thống kê kể từ cuối quý 1-2020 tới nay, dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên gần gấp 3 lần với số liệu được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố gần 110.000 tỉ đồng. "Vốn hóa 3 sàn đã gần bằng GDP 2020", ông Tuấn cho biết.

Nhiều nhà đầu tư tham gia, tỉ lệ vay margin (ký quỹ) ở nhiều công ty chứng khoán cả nội lẫn ngoại có nơi vượt trần. Do đó, nhiều công ty phải tăng huy động vốn, tăng vốn điều lệ.

Khi thị trường tăng nóng, nhà đầu tư luôn phải xác định lợi nhuận lớn thì rủi ro cũng cao.

2315-chung-khoan-viet
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Chứng khoán Việt tăng trưởng mạnh nhất khu vực

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều tín hiệu khả quan, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19. Chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới trong tháng 5 vừa qua.

Chốt phiên cuối cùng của tháng 5, chỉ số VN-Index đạt mức cao kỷ lục 1.328,05 điểm. Như vậy, VN-Index đã đạt mức tăng trưởng 21% so với đầu năm.

"Nhà đầu tư đang rất tập trung và quan tâm đến thị trường chứng khoán như một kênh sinh lời với tỷ suất sinh lời cao trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang gặp tương đối nhiều rủi ro", ông Nguyễn Việt Đức, Khối Dịch vụ Khách hàng cá nhân, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, cho biết.

Mặc dù chỉ 1/3 các mã chứng khoán trên cả 3 sàn ghi nhận tăng điểm, tập trung chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và trung bình, nhưng mức tăng điểm vượt trội đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng của toàn thị trường.

Trong đó, các nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng và dầu khí có đóng góp chính cho chỉ số VN-Index. Đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Hai cổ phiếu tăng nhiều nhất là STB của Sacombank với 41,4% và TCB của Techcombank tăng 31%.

"Thanh khoản rất dồi dào. Liên quan đến Thông tư 03/2021, ngân hàng được được trích lập dự phòng và giãn ảnh hưởng của trích lập dự phòng đối với nợ cơ cấu, tốt hơn thông tư trước đây. Thứ ba là câu chuyện tăng vốn giúp ngân hàng duy trì đà tăng tốt", ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia Chiến lược đầu tư, SSI Research, cho hay.

Trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán mạnh, vượt nhiều lần so với sức mua, dòng tiền của nhà đầu tư nội và nhà đầu tư cá nhân mới là lực đỡ quan trọng cho các chỉ số chứng khoán trong thời gian vừa qua.

"Sự tham gia của nhà đầu tư mới không chỉ là hiện tượng nhất thời của 2020 và 2021, mà sẽ là hiện tượng mang tính dài hạn, thể hiện sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian tới", ông Nguyễn Việt Đức cho biết thêm.

Các chuyên gia dự đoán thị trường chứng khoán năm sau sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay, nhờ sự phục hồi của các ngành hàng không, du lịch và giải trí, tác động tích cực từ việc phổ cập vaccine trên toàn thế giới, cũng như sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế.

(Còn nữa)

Cuối tháng 6 sẽ hết nghẽn lệnh?

Giao dịch tại sàn HoSE liên tục bị tắc nghẽn. Ngày 2-6, các công ty chứng khoán như SSI, VPS, VNDirect... "giải cứu" bằng cách không cho nhà đầu tư sửa/hủy lệnh giao dịch.

Trả lời báo chí, lãnh đạo sàn HoSE cho biết khả năng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 FPT có thể bàn giao hệ thống giao dịch tạm cho sở để sớm đi vào vận hành.

Đại diện FPT cũng cho biết đơn vị đã đồng hành cùng HoSE triển khai giai đoạn kiểm thử diện hẹp của dự án. Từ kết quả thử, FPT và HoSE đã quyết định chuyển dự án sang giai đoạn kiểm thử toàn thị trường kéo dài đến 25-6, làm cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Kỳ 1: Thị trường sục sôi từng ngày

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn nền kinh tế và sức khỏe của các doanh nghiệp bị tác ...

Minh Anh