Kinh tế Việt qua cán cân xuất nhập khẩu

Cập nhật: 18:34 | 16/08/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - 7 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 182,19 tỷ USD, tăng 5,4%, tương ứng tăng 9,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, giá trị xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đang chiếm gần 63% tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam.

kinh te viet qua can can xuat nhap khau

"Quy mô dự án FDI ngày một nhỏ": Nhiều nhà đầu tư ngoại "biến mất"

kinh te viet qua can can xuat nhap khau

Ô tô ngoại tiếp tục vào Việt Nam, Bộ Công Thương chỉ đạo gấp

Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Tổng Cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 289,26 tỷ USD, tăng 8,2% (tương ứng tăng 21,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 7/2019 đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 6.

Tính chung 7 tháng, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 182,19 tỷ USD, tăng 5,4%, tương ứng tăng 9,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

kinh te viet qua can can xuat nhap khau

Giá trị xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đang chiếm gần 63% tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam

Cụ thể hơn, về xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7 đạt 15,09 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 7 tháng/2019 lên 99,54 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của doanh nghiệp FDI vẫn là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị…

Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 7/2019, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 143,78 tỷ USD. Trong đó, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2019 đạt 13,29 tỷ USD, tăng 17% so với tháng trước.

Còn tổng trị giá nhập khẩu của khối này trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 82,65 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính của khối FDI bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện điện thoại…

Tính toán của Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2019 có mức thặng dư trị giá 1,8 tỷ USD. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trị giá 16,9 tỷ USD.

Với tình hình thương mại tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức kinh tế đã đưa ra những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt nam trong năm 2019 và năm tiếp theo.

Báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2019 của Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,9%.

Chuyên gia kinh tế của ngân hàng này, ông Chidu Narayanan nói rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, các yếu tố kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nửa đầu năm và sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm. Tăng trưởng nửa cuối năm được dự báo sẽ cao hơn so với mức 6,7% hồi đầu năm.

Vốn FDI dự kiến sẽ đạt khoản 18 tỷ USD, đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính. Phía Standard Chartered cũng cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì ổn định và vượt trội so với các nước trong khu vực. Dù vậy, hàng điện tử, vốn chiếm 1/3 trong tổng lượng xuất khẩu có khả năng suy giảm. Mặt hàng này sẽ được bù đắp nhờ vào dệt may hay nông nghiệp đang có xu hướng cải thiện.

Lạm phát của Việt Nam cũng sẽ tăng ở mức vừa phải ở nửa cuối năm, trung bình 2,8% so với mức 2,6% nửa đầu năm. Lạm phát cơ bản sẽ tăng khoảng 2%.

Ngân hàng ANZ cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam nhờ vào những cam kết cải cách.

Ông Khoon Goh, trưởng phòng nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn rất vững chắc dù kinh tế bị tác động của thương mại toàn cầu suy thoái. ANZ duy trì dự báo GDP Việt Nam năm 2019 là 6,7%, thuộc nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Phía ANZ lưu ý Việt Nam cần quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để một mặt phân bổ nguồn lực, mặt khác, tránh hiện tượng đầu tư ồ ạt, tăng trưởng quá nóng. Ngoài ra, nền kinh tế 96 triệu dân cũng cần quan tâm đến vấn đề già hoá dân số bởi trong 20 năm tới, số người trên 60 tuổi sẽ tăng nhanh, khiến tăng gấp 2 tỷ lệ phụ thuộc.

Trước đó, Ngân hàng ADB đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,8% trong khi hạ dự báo ở các nước như Singapore, Thái Lan, Philippines.

Việt Nam tiếp tục được tổ chức này nhìn nhận như là một điểm sáng trong khu vực với tốc độ tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á dù vẫn có một số yếu tố bất lợi. Theo đơn vị này, tăng trưởng trong ngành công nghiệp - đặc biệt trong khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 27% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ.

Văn Thắng