Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19

Cập nhật: 05:00 | 19/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Viện chính sách Australia-Việt Nam (AVPI) vừa đăng bài viết của ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế và nghiên cứu viên của AVPI, đưa ra một số phân tích và dự báo đáng chú ý về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và triển vọng trong năm 2022 cũng như những năm tới.

5100-kinhtevn
Ảnh: Báo đầu tư

Tác giả đề cập đến một số động lực tăng trưởng từ trong và ngoài nước. Cụ thể, số doanh nghiệp tăng nhanh trở lại trong 6 tháng qua, sau khi số doanh nghiệp phải đóng cửa tăng và số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tăng chậm trong năm 2021. Đầu tư tư nhân ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ hội việc làm mới.

Bài viết nhấn mạnh với mục tiêu giảm tác động của đại dịch đối với kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đổi mới để giảm tắc nghẽn về thể chế và cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo đảm tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Chính phủ đã cam kết tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng và duy trì hỗ trợ kinh doanh ở mức nhất định.

Tác giả dự kiến dòng vốn đầu tư công sẽ phục hồi trong năm 2022 khi Chính phủ tái tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu trong nước của Việt Nam tiếp tục tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bài viết cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, tăng năng suất và thu nhập. Các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực được triển khai gần đây cũng đang giúp làm sâu sắc hơn nữa các liên kết chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Về mặt tái cấu trúc kinh tế, Việt Nam có nhiều thay đổi về cơ cấu trong các ngành như nông nghiệp, dịch vụ logistics, tiêu chuẩn hóa, tài chính và thương mại điện tử.

Trong nhận định mới nhất, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Điểm đến mới cho các công ty châu Âu

Theo TTXVN, trang DW (Đức) mới đây cũng đăng bài viết đánh giá hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu.

Theo bài viết, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh trong đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2022, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 5,5%. Kết quả hoạt động kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch đã thu hút sự chú ý của một số công ty lớn của châu Âu.

Ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết: "Hiện có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực để xâm nhập vào thị trường Việt Nam".

Phát biểu với DW, ông Raphael Mok, đứng đầu khu vực châu Á tại Fitch Solutions, cho rằng Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Việt Nam cũng đang đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng.

Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do vào năm 2020, trong đó có hiệp định đầu tư, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thương mại song phương đã tăng lên 49 tỷ euro vào năm 2021, tăng mạnh so với mức 20,8 tỷ euro vào năm 2012, năm bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Một báo cáo của Germany Trade & Invest, một nền tảng nghiên cứu và tư vấn, chỉ ra rằng các hiệp định này cũng giúp các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động mua sắm công tại Việt Nam.

Theo baochinhphu.vn