Kinh doanh thua lỗ, Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) muốn bán đứt hai công ty con

Cập nhật: 07:00 | 22/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Đầu tư Sao Thái Dương (HOSE: SJF) công bố kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư khỏi hai công ty con là Công ty CP Sunstar Bamboo Việt Nam và Công ty CP Sunstar Ecotech Việt Nam.

Kinh doanh thua lỗ, Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) muốn bán đứt hai công ty con
Năm 2022, Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) ghi nhận doanh thu giảm mạnh còn 170 tỷ đồng, tương đương thấp hơn 65% so với năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 18 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch của hai thương vụ chưa công bố. Hội đồng quản trị Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) chỉ mới ủy quyền cho Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Nghĩa thực hiện việc lựa chọn đối tác, thương thảo và thực hiện các thủ tục khác có liên quan theo đúng quy định, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Theo báo cáo tài chính tự lập 2022, SJF khi đó có 3 công ty con được hợp nhất kết quả kinh doanh, bao gồm Công ty CP BWG Mai Châu (giá trị đầu tư gốc là 270,3 tỷ đồng), Công ty CP Sunstar Ecotech Việt Nam (156,8 tỷ đồng) và Công ty CP BWM Technologies (19,9 tỷ đồng). Tỷ lệ sở hữu của SJF tại 3 công ty con này dao động từ 96 - 99,5% vốn điều lệ.

Đáng lưu ý, BWM Technologies thực chất là tên cũ của Sunstar Bamboo Việt Nam trước thời điểm đổi tên vào tháng 6/2019. Doanh nghiệp vẫn đang giữ cái tên này cho đến thời điểm hiện tại, nên đây có thể hiểu là sai sót của người lập báo cáo tài chính bên phía SJF trong năm vừa qua.

Sunstar Bamboo Việt Nam ra đời tháng 4/2017, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng (tre, nứa, gỗ cây và gỗ chế biến). Hiện vốn điều lệ doanh nghiệp đạt 20 tỷ đồng, trong đó SJF nắm 99,5% cổ phần.

Năm 2021, Sunstar Bamboo Việt Nam dường như kinh doanh khá "đuối", nên SJF đã phải trích ra một khoản tiền dự phòng tổn thất đầu tư. Sang năm 2022, tình trạng trên đã được cải thiện, thể hiện rõ qua cách SJF xóa bỏ khoản dự phòng này.

Về phần Sunstar Ecotech Việt Nam, cuối năm 2019, SJF đã chi ra 156,8 tỷ đồng (tương ứng 98% vốn điều lệ) để thành lập pháp nhân này, với mục tiêu phụ trách mảng công nghệ sinh học, xây dựng, thương mại và vận tải của doanh nghiệp.

Ban đầu, SJF cử ông Nguyễn Huy Quảng, sinh năm 1984, làm đại diện phần vốn góp tại Sunstar Ecotech Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó giao lại cho ông Lê Tuấn Việt đảm trách.

Sunstar Ecotech Việt Nam là công ty con lớn thứ hai của SJF, chỉ sau Công ty BWG Mai Châu - chủ đầu tư nhà máy sản xuất tre ép tấm và viên công nghiệp tại Cụm công nghiệp Chiềng Châu (Hòa Bình) với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.

Dù vậy, BWG Mai Châu chỉ được biết đến nhiều hơn sau vụ nợ xấu hơn 90 tỷ đồng tại Agribank. Ngân hàng buộc phải rao bán đấu giá khoản nợ với giá khởi điểm 95 tỷ đồng, tính đến thời điểm tháng 9/2021. Được biết, BWG Mai Châu phát sinh vay nợ là để có dòng tiền xây dựng nhà máy và bổ sung vốn lưu động.

Về hoạt động kinh doanh của công ty mẹ, năm 2022, SJF ghi nhận doanh thu giảm mạnh còn 170 tỷ đồng, tương đương thấp hơn 65% so với năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 18 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, quy mô tài sản của SJF đạt 1.048 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm.

Ánh Dương

Tin cũ hơn
Xem thêm