Kiểm toán Nhà nước “réo tên" VIB về các tồn tại trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Cập nhật: 11:24 | 24/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong báo cáo mới đây về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những tồn tại của một số ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã có những kiến nghị với Ngân hàng nhà nước (NHNN) về phần nội dung liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) và một số ngân hàng thương mại khác.

Kiểm toán Nhà nước “réo tên
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Vào ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hàng Nghị quyết số 43/2022/QH15 Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Sau gần 2 năm triển khai, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.

Về hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhìn chung công tác triển khai tại các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, NHNN đã triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, các tổ chức tín dụng ban hành văn bản triển khai để các đơn vị trực thuộc có kế hoạch giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, qua quá trình kiểm toán cho thấy còn một số tồn tại như: Công tác truyền thông chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, thể hiện ở việc sau gần 03 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.

Bên cạnh đó, tại các ngân hàng thương mại, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng: VIB và một số ngân hàng thương mại ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm. Theo tài liệu VIB cung cấp cho thấy không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.

Ngoài ra, có ngân hàng bị “réo tên” vì chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ; Các ngân hàng thương mại khác như: HSBC, Public Bank bị “nêu tên” vì văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất; Trong khi, Ngân hàng Shinhanbank và Public Bank bị "nêu tên” vì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa kịp thời, nội dung tuyên truyền sơ sài, không đầy đủ rõ ràng.

Đến ngày 31/12/2022, Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng đạt 0,8%/tổng số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng).

Đến ngày 31/3/2023, số tiền luỹ kế hỗ trợ lãi suất là 332,5 tỷ đồng đạt 0,83% (đến cuối tháng 7/2023 theo Báo cáo số 432/BC-CP số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 681 tỷ đồng tương đương 1,7%) nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.

Đáng chú ý, theo Kiểm toán nhà nước, trong năm 2022, có 15/44 NHTM không hỗ trợ lãi suất, có 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 01 tỷ đồng, trong đó có VIB.

Về tình hình kinh doanh của VIB, Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn.

Trong đó, thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30%, nằm trong nhóm nhà băng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí hàng đầu ngành ngân hàng.

Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý III đạt 4.300 tỷ đồng - mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay.

Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 3.150 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản VIB đạt 384.500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Nhờ triển khai các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng, dư nợ tín dụng đạt gần 247.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng riêng quý III/2023 của VIB đạt hơn 4,5%.

Nợ xấu của VIB hiện được duy trì ở mức 2,47%, giảm so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý I/2023. Trong số nợ xấu này, hầu hết là các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản, với tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo được duy trì ở mức 60%-70%. Bên cạnh đó, VIB vẫn duy trì chính sách tài sản đảm bảo chặt chẽ với 99,5% tài sản đảm bảo bằng bất động sản là nhà đã có sổ hồng, sổ đỏ.

Ngân hàng VIB huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) vừa có thông báo liên quan đến kết quả chào bán trái phiếu tại Ngân ...

Trích lập rủi ro tín dụng tăng 10 lần, CTCK hạ giá mục tiêu đối với cổ phiếu VIB

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa công bố bức tranh hoạt động kinh doanh quý 3/2023 với doanh thu và lợi ...

Thùy Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm