Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý 198 văn bản pháp luật sai quy định

Cập nhật: 08:30 | 02/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Tăng trưởng GDP cao và dấu ấn điều hành của Chính phủ

Việt Nam cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện cải thiện môi trường đầu tư

(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhằm khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí cũng như siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2021 đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Trong đó, có 95 báo cáo kiểm toán đã có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm các tập thể và cá nhân.

Tăng thu, giảm chi ngân sách gần 25.400 tỷ đồng

Tại họp báo công bố “Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra ngày 1/7, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2021, ngành đã tổ chức thực hiện kiểm toán với 234 báo cáo kiểm toán, trong đó thực hiện kiểm toán tại 18 bộ, cơ quan trung ương và 45 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Cụ thể, toàn ngành đã thực hiện kiểm toán 21 chuyên đề, 43 dự án đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và 22 doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức tổ chức ngân hàng, 22 đầu mối lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan đảng và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2020 là 25.396 tỷ đồng (trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước 8.803 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước 16.594 tỷ đồng), kiến nghị khác 41.567 tỷ đồng và chuyển một vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ngành cũng đã cung cấp 265 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản, gồm: 01 luật, 05 nghị định, 03 quyết định, 27 thông tư và 162 văn bản khác không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn...

Sai sót trong hạch toán kế toán

Ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) cho hay năm 2021, ngành đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước trong năm 2020 của 73 doanh nghiệp thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy 15/16 tập đoàn, tổng công ty và công ty sản xuất kinh doanh có lãi với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Song, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp được kiểm toán ghi nhận một số hạn chế, tồn tại.

Theo ông Tuấn, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. Trên cơ sở đó, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị tăng thu ngân sách 2.660 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 14 tỷ đồng và giảm lỗ của các doanh nghiệp 80 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số đơn vị vẫn chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, kế hoạch sử dụng dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Một vài doanh nghiệp quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn…

Về quản lý sử dụng đất, ông Tuấn nêu một số đơn vị có nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng đất không rõ nguồn gốc, chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đồng thời chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Ông Tuấn cũng lưu ý một số tập đoàn, tổng công ty và công ty vẫn chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, cụ thể là chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, lĩnh vực không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính quy định tại Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thậm chí có đơn vị chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa sau khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần nhiều năm.

Hạnh Nguyễn

Theo TTXVN