Kiểm toán “gạt phăng” thương vụ nội bộ, lợi nhuận của Lộc Trời (LTG) “bốc hơi” 94%

Cập nhật: 17:28 | 01/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Hậu kiểm toán, khoản lãi trong công ty liên kết của Tập đoàn Lộc Trời giảm mạnh hơn 315 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp “bốc hơi” gần 94%, chỉ đạt vỏn vẹn 16 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 với những thay đổi đáng kể tại nhiều chỉ tiêu kinh doanh. Đáng chú ý, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” gần 94%, giảm từ mức 265 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 16 tỷ đồng.

Kiểm toán “gạt phăng” thương vụ nội bộ, lợi nhuận của Lộc Trời (LTG) “bốc hơi” 94%
Giải trình biến động trên báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của Tập đoàn Lộc Trời

Theo giải trình của doanh nghiệp, sự sụt giảm nói trên đến từ một số điều chỉnh. Cụ thể, các khoản giảm trừ doanh thu của Lộc Trời giảm hơn 19 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán tăng gần 16 tỷ đồng, chủ yếu do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng trong nội bộ Tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập.

Đáng chú ý, khoản lãi trong công ty liên kết của Tập đoàn này ghi nhận sự thay đổi lớn nhất sau kiểm toán khi giảm tới hơn 315 tỷ đồng, xuống còn 527 triệu đồng. Lộc Trời cho hay, nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh là do loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ Tập đoàn.

Cụ thể, vào ngày 16/2/2023, Tập đoàn Lộc Trời đã hoàn thành mua cổ phần tại Công ty CP Lương Thực Lộc Nhân và nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 49%. Tại báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, doanh nghiệp cho biết khoản lãi gần 316 tỷ đồng được xác định tạm thời dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần Lộc Nhân tại ngày mua. Tập đoàn sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết khi hoàn thành đánh giá chính thức giá trị hợp lý của tài sản thuần mua về này.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác lần lượt giảm 77 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng sau kiểm toán, góp công lớn giúp Lộc Trời thoát lỗ trong năm 2023.

Với lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, Lộc Trời mới chỉ hoàn thành hơn 4% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Được biết, vào ngày 24/4 tới đây, Tập đoàn này sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên tại Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tại ĐHĐCĐ, Tập đoàn Lộc Trời dự trình kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lãi kế toán trước thuế, lãi vay và khấu hao là 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kế hoạch trả cổ tức năm 2023 sẽ được điều chỉnh từ phương án trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 30% sang bằng cổ phiếu với tỷ lệ giữ nguyên. Với phương án này, Lộc Trời dự kiến phát hành 30,2 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn dự kiến lấy từ lãi sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán tại ngày 31/12/2023.

Trên sàn chứng khoán, từ giữa tháng 3 đến nay, cổ phiếu LTG đang đi ngang quanh vùng giá 26.000 đồng/cp. Chốt phiên 1/4, cổ phiếu LTG giao dịch ở mức 26.300 đồng/cp.

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2023, vẫn phải thấy rằng, doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời đã tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Điều này được thúc đẩy bởi bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, thậm chí có thời điểm lên mức cao nhất lịch sử xuất khẩu gạo.

Tập đoàn Lộc Trời là một trong số ít các doanh nghiệp gạo Việt Nam thực hiện xuất khẩu gạo trực tiếp tới những thị trường khó tính như EU, Anh, Nhật Bản… Đặc biệt, Tập đoàn này đã giới thiệu thành công “Cơm Việt Nam Rice” – thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên tại thị trường châu Âu hồi giữa năm 2022 và phân phối thông qua 2 hệ thống đại siêu thị lớn nhất của Pháp và đã nhận được các đơn hàng bổ sung từ các đối tác tại EU.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành hàng, gạo là thị trường rất hẹp, biên độ lợi nhuận thấp và doanh nghiệp dễ chịu rủi ro cao trước các biến động địa chính trị và thời tiết. Điển hình, sau khi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar kết thúc vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm hồi tháng 11/2023, giá gạo thế giới tiếp tục tăng trái ngược với xu hướng các năm khác. Hoặc như dự báo sau ngày 15/10/2023, Ấn Độ có thể nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo nhưng thực tế lại không đúng như thế. Những điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp đưa ra các quyết định sai lầm và không tận dụng được cơ hội kinh doanh.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, doanh thu từ mảng lương thực của Tập đoàn Lộc Trời dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV/2023 và đầu năm 2024 nhờ được hưởng lợi từ giá gạo tăng cao và thu hoạch vụ Đông Xuân. Giá lúa gạo thế giới dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao dưới tác động của hiện tượng El Nino và một số quốc gia siết chặt xuất khẩu lương thực. Đây sẽ là yếu tố thuận lợi để Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục đạt được các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn trong ngắn hạn.

Lộc Trời giải thể công ty liên doanh 3 triệu USD với đối tác Trung Quốc

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa công bố quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và giải ...

Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Lãi vay “đánh bay” tăng trưởng lợi nhuận

Nợ vay tăng nhanh khiến chi phí lãi vay phình to là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý IV nói riêng và cả năm ...

Giá gạo có thể tiếp tục tăng, triển vọng nào đối với LTG?

Thị trường lúa gạo đang có nhiều diễn biến mới và sẽ có tác động mạnh đến giá cả hàng hoá này trong thời gian ...

Hà Lê