Kiểm soát 'đường đi' của dòng tiền ra sao?

Cập nhật: 10:06 | 18/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Kinh tế đang bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid - 19, kéo theo đó, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí bế tắc. Dòng tiền đang chuyển dịch vào các lĩnh vực đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản... Do đó, việc kiểm soát đường đi của dòng tiền ra sao đang là một vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý.

0236-dongtien2
Theo các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm nhu cầu vốn sẽ tăng cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần lên tiếng cảnh báo các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro và đưa ra các biện pháp để kiểm soát, siết tín dụng, lãi suất… Tuy vậy, NHNN chỉ có thể kiểm soát được dòng tín dụng, còn tiền của dân, của các doanh nghiệp mang đi đầu tư thì không thể hạn chế hay can thiệp được.

Dòng tiền đang chảy vào đâu?

Tín dụng toàn hệ thống tính đến đầu tháng 6/2021 vẫn tăng khoảng 5% góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP (dự kiến GDP 6 tháng tăng 5,8%). Con số này cho thấy kinh tế đang có sự hồi phục nhanh.

Điều này còn được thể hiện ở nhu cầu vốn trên thị trường đang khá lớn khiến room tín dụng ở một số tổ chức tín dụng đã cạn. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm tín dụng cho các ngân hàng đã cạn room.

Tuy nhiên, trên thực tế, dòng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2021 chưa thể hoàn toàn đi vào sản xuất, kinh doanh bình thường như giai đoạn trước khi xuất hiện dịch Covid-19 vì hoạt động của nhiều doanh nghiệp như: du lịch, dịch vụ, vận tải, hàng không… đang khó khăn, bế tắc.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng một phần dòng tiền ra khỏi ngân hàng và sản xuất kinh doanh, chảy vào các lĩnh vực đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản cũng có thể xảy ra. Minh chứng là trong quý I/2021, bất động sản “sốt” trở lại. Còn về chứng khoán, thanh khoản các phiên giao dịch gần đây rất lớn (trên 1 tỷ USD).

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) khi dòng tiền chảy sang lĩnh vực rủi ro sẽ có “hai mặt”, không phải chỉ có tác động xấu đến nền kinh tế.

Về mặt tích cực, tiền đổ vào chứng khoán từ rất nhiều kênh như tiền gửi tiết kiệm, từ bán bất động sản, vay margin công ty chứng khoán…. chứ không chỉ từ tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, khi tiền chảy vào chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ thị trường này, qua đó giảm gánh nặng cho các ngân hàng trong việc cung ứng vốn.

Với lĩnh vực bất động sản, hiện nguồn cung đang ít hơn cầu, nên khi dòng tiền đổ vào lĩnh vực này sẽ giúp nguồn cung phát triển. Từ đó tạo hiệu ứng tốt lan tỏa đến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ…

Ngoài ra, tín dụng đầu tư bất động sản luôn được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ. Trong giai đoạn này, những dự án xây dựng hạ tầng của nhà nước có nguồn thu trong tương lai, những dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực có triển vọng, dự án về BĐS công nghiệp… ngân hàng vẫn cho vay.

Dùng chính sách vĩ mô để quản lý dòng tiền

Theo đánh giá của các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp được quyền đầu tư, kinh doanh vào những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Do đó, việc quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước cũng phải có sự hợp lý và đúng đắn.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho rằng, nếu bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp chưa biết đổ vào đâu và mặt bằng lãi suất còn thấp, thì sức nóng của thị trường chứng khoán chưa thể ngừng. Lãi suất là một yếu tố quan trọng, khi lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại thì thị trường sẽ nguội dần, bất kể thị trường nào cũng vậy.

Sự chuyển dịch của dòng tiền là một điều tự nhiên và bình thường của quy luật kinh tế, muốn điều hành, muốn giảm nóng thì phải thận trọng với chính sách tiền tệ. Theo đó, việc tăng cung tiền mạnh cộng hưởng với lãi suất thấp nhưng sản xuất kinh doanh khó khăn thì dù lãi suất thấp doanh nghiệp cũng không hấp thụ được, đương nhiên tiền phải đi vào các kênh đầu tư tài sản, tài chính để sinh lời.

Vì vậy, chính sách hỗ trợ cần linh hoạt, hỗ trợ cụ thể từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, không nên nới lỏng chung chung bằng cách hạ lãi suất.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh không nên can thiệp thị trường bằng biện pháp hành chính. Các cơ quan điều hành nên dùng chính sách vĩ mô để quản lý nền kinh tế và đưa ra cảnh báo với các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Đồng tình, ông Độ cho rằng, NHNN chỉ có thể kiểm soát được dòng tín dụng, còn tiền của dân, của các doanh nghiệp mang đi đầu tư thì không thể hạn chế hay can thiệp được. Dòng tiền chảy sang các lĩnh vực khác để đầu tư không hoàn toàn xấu, nên các cơ quan chức năng chỉ nên đưa ra những cảnh báo, tăng cường năng lực giám sát để có giải pháp khi cần thiết.

VDSC: Lợi nhuận VietinBank có thể vượt tỷ đô khi thương vụ M&A giữa Manulife và Aviva được phê duyệt

VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế của VietinBank năm nay có thể đạt đạt 24.802 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước.

Ngân hàng Việt có 'hết chỗ' cho nhà đầu tư ngoại?

Mặc dù nhiều tổ chức đã khoá room ngoại ở mức tối đa 30% nhưng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vào ...

Techcombank tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Vaccine phòng Covid

Tiếp nối chuỗi các hoạt động ủng hộ và đồng hành cùng Quỹ Vaccine phòng Covid của Chính phủ, Techcombank đã triển khai ưu đãi ...

Theo Vnbusiness.vn