Kiểm định chiến lược giao dịch của “siêu trader” Nhật BNF tại thị trường Việt Nam (bài 2)

Cập nhật: 16:19 | 05/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Như đã đề cập ở phần 1 về trader Nhật huyền thoại BNF (xem phần 1 tại đây), giao dịch ngược xu hướng (contrarian investing) chính là chiến lược đã làm nên tên tuổi của BNF trong giai đoạn đầu tham gia thị trường.

Trước hết, chúng ta cùng điểm lại triết lý giao dịch của ông:

- BNF là một nhà đầu cơ ngắn hạn điển hình, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu quá bán và cổ phiếu mới IPO. Thời gian nắm giữ cổ phiếu thường chỉ kéo dài từ 1 ngày đến 1 tuần, nhiều nhất là 10 ngày.

- Chủ yếu “long” (mua vị thế) và không sử dụng margin (ký quỹ), ngay cả khi danh mục đầu tư còn nhỏ.

- Sử dụng Mô hình nến Nhật để xác định xu hướng thị trường.

- Không quan tâm đến các chỉ số P/E hay P/B, do không nắm giữ lượng cổ phiếu nhất định trong thời gian dài. BNF từng nói: “Tôi không biết hướng đi trong tương lai của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tôi không bao giờ quan tâm đến các điều kiện thị trường dài hạn”.

- Kiếm tiền trong thị trường con gấu (bear market) dễ hơn nhiều thị trường con bò (bull market).

Tiếp nối chuỗi bài nghiên cứu về phong cách giao dịch của BNF, chúng tôi sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đã để ngỏ trong phần 1, đó là xác định mức độ phân kỳ (độ lệch giữa giá cổ phiếu và MA25) cũng như thời gian nắm giữ cụ thể cho từng ngành để có thể đạt được xác suất sinh lời cao nhất?

Dữ liệu được chúng tôi sử dụng để phân tích hiệu quả của chiến lược vẫn là dữ liệu giao dịch của tất cả cổ phiếu giao dịch tại sàn tp. Hồ Chí Minh (HOSE), trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến hết năm 2021. Tín hiệu mua vào cổ phiếu là khi giá thấp nhất trong ngày của cổ phiếu đó giảm xuống dưới đường trung bình động MA25 trong khoảng từ 15%-30%, sau đó hiệu quả của chiến lược sẽ được đo lường tại thời điểm từ 3 đến 10 ngày giao dịch, đúng như khung thời gian nắm giữ ngắn hạn ưa thích của BNF.

Xác suất sinh lời thu được từ mô hình kiểm định được thể hiện ở 2 bảng nhiệt đồ (heat map) dưới đây. Trước tiên, chúng ta cùng tìm kiếm mức độ phân kỳ mang lại hiệu quả cao nhất cho từng ngành với việc phân tích bảng 1.

1708-sieu-trader-1

Bảng trên mang lại cho chúng ta nhiều góc nhìn khá thú vị. Đó là mặc dù xác suất có lời của toàn thị trường gia tăng khi chúng ta chờ đợi giải ngân ở những vùng giá có mức độ phân kỳ lớn (xác suất tăng khi mức độ phân kỳ tăng, cột Trung bình), đối với từng ngành cụ thể, câu chuyện lại rất khác. Trong khi những ngành như Bảo hiểm, Ngân hàng, Ô tô, Truyền thông có xác suất cao hơn khi chờ đợi mức phân kỳ cao (25%-30%) thì những ngành như Dịch vụ tài chính, Du lịch giải trí, Thực phẩm đồ uống và Xây dựng, vật liệu lại có xác suất sinh lời cao hơn khi mức độ phân kỳ ở mức chỉ 15%-20%.

Ngoài ra, những ngành có xác suất sinh lời bình quân vượt trội chính là Dầu khí và Ngân hàng, với tỷ lệ % số phiên tăng đều vượt trên 70%. Nhóm ngân hàng cho thấy mức độ ổn định rất cao, bất kể là chúng ta giải ngân tại thời điểm mức độ phân kỳ là bao nhiêu trong khoảng từ 15%-30%, xác suất thu được lợi nhuận đều trong khoảng từ 65% trở lên.

2 ngành có xác sinh lời thấp nhất là Du lịch giải trí và Tài nguyên cơ bản, với xác suất có lời chỉ trong khoảng 50%, nghĩa là cũng tương đương với xác suất thua lỗ. Do đó, NĐT nên hạn chế sử dụng chiến lược giao dịch ngược xu hướng kể trên với 2 nhóm này.

Tiếp đến, chúng ta hãy cũng tìm hiểu thời gian nắm giữ tối ưu cho từng ngày dựa trên bảng nhiệt đồ phía dưới:

1728-sieu-trader-2

Kết quả thu được ở bảng này cho thấy mức độ phân tán cho từng ngành giảm đáng kể so với bảng 1, hầu hết các ngành cho mức xác suất sinh lời cao nhất nếu nắm giữ trong khoảng thời gian dài hơn, từ 7-10 ngày, chỉ ngoại trừ 3 ngành là Hàng cá nhân, Ngân hàng và Y tế thì xác suất sinh lời cao nhất sẽ đạt được nếu giao dịch T+3, hay nói cách khác là NĐT sẽ thu được xác suất sinh lời cao nhất nếu hiện thực hóa lợi nhuận ngay khi cổ phiếu vừa về tài khoản.

Kết luận:

Như vậy, đúng như nhận định của BNF, mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có một mức độ phân kỳ khác nhau để thu được hiệu quả đầu tư cao nhất. NĐT có thể sử dụng bài nghiên cứu kể trên đây của chúng tôi để có thiết lập các tham số phù hợp cho từng ngành.

Dù vậy, chúng tôi cũng nhấn mạnh lại một điểm đã được đề cập ở phần 1, đó là viêc đạt được mức hiệu suất ấn tượng như trader “huyền thoại” BNF lại là điều vô cùng khó khăn, do điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với đặc trưng là giao dịch T+3, trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản cho phép mua bán trong ngày. Hơn nữa, cần lưu ý dữ liệu sử dụng trong bảng kể trên là dữ liệu quá khứ, không đảm bảo sẽ lặp lại trong tương lai, vì vậy, NĐT nên linh hoạt trong việc triển khai chiến lược của mình để thu được hiệu quả cao nhất.

Cổ phiếu phòng thủ có thể thoái trào

Khi thị trường giảm điểm, nhóm “cổ phiếu phòng thủ” được nhà đầu tư quan tâm, nhưng gần đây, dấu hiệu phục hồi xuất hiện, ...

Kiểm định chiến lược giao dịch của “siêu trader” Nhật BNF tại thị trường Việt Nam

BNF là một nhà đầu cơ ngắn hạn điển hình, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu quá bán và cổ phiếu mới IPO. ...

Dấu hiệu ngày bùng nổ theo đà trên thị trường chứng khoán

Tuần qua có phiên giao dịch đáng chú ý, ngày 25/5, khắp các diễn đàn, các room chứng khoán, youtube… nói về ngày bùng nổ ...

Trang Nhi t/h từ nguồn TCBS