Kích hoạt đầu tư giai đoạn 2 cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tổng đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng
Dự án cao tốc này trong giai đoạn 2 được triển khai theo mô hình PPP++, kỳ vọng tối ưu hiệu quả đầu tư.
Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự tham gia của các nhà thầu và nhà đầu tư cho Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 2 theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Hội nghị thu hút gần 20 doanh nghiệp cùng nhiều ngân hàng thương mại, thể hiện sự quan tâm cao đến dự án trọng điểm này.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy – Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả – khẳng định nếu được giao thực hiện, doanh nghiệp sẽ tiếp tục áp dụng mô hình PPP++, từng triển khai tại cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 và Hữu Nghị – Chi Lăng.
PPP++ được xem là mô hình nâng cấp từ PPP truyền thống, khi các nhà đầu tư, nhà thầu không chỉ tham gia thi công mà còn đóng vai trò nhà đầu tư thứ cấp, chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm do mình thực hiện. Điều này tạo sự gắn kết giữa lợi ích và trách nhiệm, đồng thời góp phần kiểm soát chất lượng công trình trong suốt vòng đời dự án.
Các nhà thầu có năng lực sẽ tham gia dưới dạng tổng thầu thiết kế – thi công (EC) hoặc thiết kế – cung cấp thiết bị – thi công (EPC). Phương thức này cho phép tối ưu chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có và rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Lợi nhuận từ thi công sẽ được tái đầu tư trở lại dự án, tạo vòng quay khép kín và minh bạch dòng vốn.
Không chỉ dừng lại ở mô hình tài chính và quản trị dự án, Tập đoàn Đèo Cả còn thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các trường đại học và cao đẳng để tổ chức đào tạo công nhân thực hành và kỹ sư có năng lực quản lý dự án. Các khoá học còn bao gồm kỹ năng ứng xử trên công trường, an toàn lao động và sơ cấp cứu cơ bản.
Công nghệ số và bài toán rủi ro
Một điểm nhấn khác trong mô hình PPP++ là việc ứng dụng công nghệ số và Mô hình thông tin công trình (BIM) để giám sát quá trình giải phóng mặt bằng, thi công và minh bạch chi phí đầu tư. Đây là xu hướng đang được khuyến khích trong ngành hạ tầng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu thất thoát tài chính.
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh rằng mô hình PPP++ là giải pháp thiết thực để hiện thực hóa các dự án hạ tầng quy mô lớn tại các địa phương có doanh thu thu phí thấp nhưng nhu cầu phát triển hạ tầng cao. Theo ông, "một quốc gia như Việt Nam – với ngân sách giới hạn và nhiều nhiệm vụ phát triển cấp bách – rất cần những phương thức đầu tư linh hoạt, chia sẻ rủi ro, giảm áp lực ngân sách nhưng vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình."
Dự án giai đoạn 2: Những con số cụ thể
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 2 sẽ mở rộng 93,35 km hiện tại và xây dựng mới 27,71 km kết nối lên cửa khẩu Trà Lĩnh, tổng chiều dài đạt hơn 120 km. Theo Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 13/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đầu tư ngay giai đoạn 2, với quy mô 4 làn xe, phương thức PPP và cơ chế tương tự giai đoạn đầu.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 10.295 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7.206 tỷ đồng (chiếm gần 70%), vốn chủ sở hữu 576 tỷ đồng và vốn huy động 2.513 tỷ đồng. Việc cân đối nguồn vốn đang được UBND tỉnh Cao Bằng và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện theo chỉ đạo từ Chính phủ.
Trong chuyến thị sát thực địa ngày 2/2/2025, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan hướng dẫn chặt chẽ phương án thực hiện. Bộ Tài chính được giao bố trí vốn còn địa phương sẽ ưu tiên các đơn vị từng tham gia giai đoạn 1 nhằm đảm bảo tính liên tục, hiệu quả triển khai.