Góc nhìn

Kịch bản cho xuất khẩu Việt Nam nếu Mỹ giữ thuế đối ứng ở mức cao

Anh Vũ 09/04/2025 11:18

Trước diễn biến căng thẳng của thương chiến mới giữa Mỹ và Việt Nam, chuyên gia VnDirect đã có những nhận định chi tiết về tác động của mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ vừa công bố đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect, mức thuế đột ngột và ở ngưỡng cao như vậy sẽ gây ra thách thức đáng kể cho cán cân thương mại của Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Với thặng dư thương mại đạt 104,6 tỷ USD trong năm qua – tăng 5% so với 2023 – và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt 23,2%, nguy cơ từ việc bị áp thuế cao càng trở nên rõ nét.

hinh.jpg
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và thị trường chứng khoán của VnDirect

Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng phản ứng bán tháo trên thị trường những ngày qua phần lớn mang tính tâm lý, và cái nhìn toàn diện hơn cần được đặt vào khả năng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ thương mại vững chắc với Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và các khối kinh tế lớn thông qua hàng loạt hiệp định FTA như CPTPP, RCEP và EVFTA - đây là lợi thế lớn để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Phân tích sâu hơn, các ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị và hàng điện tử hiện có tỷ lệ phụ thuộc vào Mỹ trên 30%, do đó sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu mức thuế 46% được giữ nguyên. Ngược lại, các nhóm ngành như thép, điện thoại, máy ảnh và thủy sản lại chỉ phụ thuộc dưới 20% vào Mỹ, nên tác động sẽ ở mức giới hạn hơn.

Ở chiều ngược lại, ông Hinh cho rằng Việt Nam có thể cân đối lại cán cân thương mại bằng cách tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, nhất là các mặt hàng như nông sản, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), máy bay – những sản phẩm Mỹ có lợi thế và đang ưu tiên xuất khẩu.

Về kịch bản tương lai, chuyên gia của VnDirect đưa ra hai viễn cảnh

Kịch bản tiêu cực – nếu mức thuế 46% được giữ nguyên: Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước bị áp thuế cao nhất, cạnh tranh kém hơn nhiều so với các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời giá thành đến tay người tiêu dùng Mỹ tăng vọt cũng sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng của người dân Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng dễ thay thế hoặc có mức độ nhạy với giá cao như đồ nội thất, dệt may, da giày, nông sản.

Trong kịch bản này hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 20-25%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 9-11%. Tăng trưởng GDP năm 2025 có thể sụt giảm 2-3 điểm phần trăm so với kịch bản không bị áp thuế. Thị phần tại các thị trường lớn khác như EU và Trung Quốc cũng có thể bị thu hẹp do cầu giảm và xu hướng tiêu dùng hàng nội địa.

Kịch bản tích cực – nếu thuế được điều chỉnh xuống còn 20-25%: Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc (thuế 46%) và không bất lợi so với Mexico, Canada (thuế 25%). Xuất khẩu sang Mỹ chỉ giảm nhẹ 5-10%; tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm khoảng 3-5%. Tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế vẫn có thể đạt 6-7% trong năm 2025. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể thấp hơn khoảng 0,5-1,0 điểm % trong kịch bản này.

Theo ông Đinh Quang Hinh, dù đối diện áp lực lớn trước chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động thích ứng bằng cách đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, gia tăng nhập khẩu từ Mỹ và đẩy mạnh đàm phán song phương. Đây cũng là cơ hội để tái định vị chiến lược xuất khẩu và nâng tầm năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kịch bản cho xuất khẩu Việt Nam nếu Mỹ giữ thuế đối ứng ở mức cao
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO