Không thể tuyệt đối an toàn trước dịch bệnh

Cập nhật: 16:27 | 23/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó với mọi tình huống. Chúng ta không thể đòi một đất nước có gần 100 triệu dân, với hơn 5000 km đường biên giới trên bộ, chưa kể hàng nghìn km bờ biển tuyệt đối không có mầm bệnh nào trong cộng đồng.

Không thể tuyệt đối an toàn trước dịch bệnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kết hợp hài hòa chiến lược vaccine với chiến lược chống dịch

Sáng 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo đã bàn các nội dung: Triển khai công tác xét nghiệm tầm soát tại những vùng nguy cơ và những trường hợp nguy cơ theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; công tác truy vết; xét nghiệm; triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch; đưa công dân về nước; quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, người nhập cảnh…

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, trong công tác chống dịch phát hiện sớm là mấu chốt. Dẫn ví dụ thực tế tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất và ổ dịch ở Hải Phòng, ông Vinh nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai xét nghiệm tầm soát với chiến thuật, chiến lược cụ thể để phát hiện sớm các ca chỉ điểm và nhanh chóng dập dịch.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truy vết, ông Vinh đề nghị Bộ Y tế cần đúc kết lại các bài học, xây dựng sơ đồ truy vết, sơ đồ cách ly thông minh để hướng dẫn các địa phương áp dụng phù hợp, hiệu quả khi xuất hiện tình huống.

Đồng thời ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Y tế cần xây dựng kế hoạch kết hợp hài hoà giữa chiến lược tiêm vaccine phòng chống COVID-19 với chiến lược phòng chống dịch, để phát huy hiệu quả.

Về công tác xét nghiệm tầm soát, Ban Chỉ đạo cho rằng, Bộ Y tế phải hướng dẫn các địa phương triển khai đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương phải giữ vai trò điều phối,…

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y đề nghị việc xét nghiệm phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước, phải là cơ quan chuyên môn. Tiếp tục thực hiện chiến lược truy vết thần tốc, khoanh vùng rộng, cô lập hẹp; cần nghiên cứu, áp dụng việc sử dụng test kháng nguyên nhanh để rút ngắn thời gian xét nghiệm sàng lọc…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dân số của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới. Chúng ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình đứng thứ khoảng ngoài 120 trên thế giới. Hiện tổng số ca nhiễm của Việt Nam đứng thứ 173, nhưng tính theo tỷ lệ ca nhiễm trên số dân thì đứng thứ 213/219 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt chi phí chống dịch của Việt Nam rất thấp. Số lượng xét nghiệm trên số dân đứng thứ 176 trên thế giới.

“Bằng tất cả sự khiêm tốn, có thể nói rằng Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước chống dịch hiệu quả nhất. Vì vậy chúng ta phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu. Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược 5 bước Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch - Điều trị thì không thay đổi, đặc biệt là phát hiện, truy vết và bây giờ thêm sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm”, Phó Thủ tướng nói.

Không thể tuyệt đối an toàn trước dịch bệnh

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh: Trong công tác chống dịch phát hiện sớm là mấu chốt. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hải Dương: Hoàn toàn làm chủ các ‘điểm nóng’

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, hôm nay đã bước sang ngày thứ 7, Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; qua đó số lượng ca mắc đã giảm sâu, hoàn toàn làm chủ được tình hình tại các ‘điểm nóng’ trước đây (Cẩm Giàng, Chí Linh).

Về xét nghiệm, tỉnh Hải Dương đã nâng công suất xét nghiệm lên 80.000 mẫu/ngày và hoàn toàn có thể nâng lên 120.000 mẫu/ngày (mẫu gộp) để tiến hành xét nghiệm tầm soát diện rộng trong thời gian tới.

Về ổ dịch ở Kim Thành, tỉnh đang tập trung cao độ đối với khu vực này, cử 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo áp dụng những biện pháp mạnh mẽ nhất, phong tỏa chặt, xét nghiệm diện rộng, để khẩn trương dập dịch.

Xét nghiệm diện rộng, có chỉ định

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực trong công tác phòng chống dịch của tỉnh Hải Dương. Nhấn mạnh còn 1 tuần nữa hết giãn cách xã hội, đây là khoảng thời gian quan trọng, tỉnh cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Hải Dương tính toán cụ thể, khoa học trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng cho công nhân các khu công nghiệp; xây dựng cỡ mẫu phù hợp, với đối tượng phù hợp, tập trung vào những nhóm, khu vực nguy cơ cao (bến xe, người buôn bán,…) để triển khai xét nghiệm tầm soát, bảo đảm vừa hiệu quả trong chống dịch, vừa hiệu quả về kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh triển khai theo đúng hướng dẫn là xét nghiệm diện rộng có chỉ định; đề nghị tỉnh giao Sở Y tế chủ trì cùng với Sở LĐTBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp đánh giá nguy cơ của từng nhà máy để làm căn cứ chỉ định xét nghiệm, chứ không phải xét nghiệm cho công nhân của tất cả các nhà máy đóng trên địa bàn; về đối tượng nguy cơ cũng phải có chỉ định; về đơn vị xét nghiệm dứt khoát phải thông qua điều phối của CDC, thu giá xét nghiệm phải theo quy định của Bộ Y tế - Bộ Tài chính; tránh tình trạng chỉ định 1 đơn vị xét nghiệm;…

Báo cáo thêm về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh kiên trì xét nghiệm theo vết dầu loang, có trọng tâm, trọng điểm, để chủ động phòng chống dịch và xử lý ngay ổ dịch; tỉnh cũng chủ trương mở rộng ra các nhóm nguy cơ cao hơn, tuỳ theo từng đặc điểm dịch tễ của từng địa phương để chủ động chống dịch, chứ không mở rộng xét nghiệm một cách tuỳ tiện.

Không thể tuyệt đối an toàn trước dịch bệnh

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương báo cáo trực tuyến tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phải tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch

Về công tác phòng chống dịch nói chung, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ các nhóm, các khu vực để tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Trước tiên là phải làm tốt việc khai báo y tế, từ đó mới truy vết, khoanh vùng, dập dịch, chứ không quá nặng việc truy tìm F0; đồng thời phải kết hợp với tuyên truyền vận động người dân cung cấp thông tin, phát giác ca bệnh; phát huy vai trò của các tổ chống dịch cộng đồng (giám sát thường xuyên);…

Nhấn mạnh việc chống dịch trong tình hình mới (đã có biến thể virus, lây nhiễm trong cộng đồng) Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị người dân thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K, nhất là chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Ông cũng đề nghị các tỉnh chủ động đảm bảo vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”.

Chi tiết xem thêm tại đây...

Cập nhật 11 nhóm đối tượng ưu tiên và lịch tiêm vắc xin COVID-19 ở Việt Nam

Theo Hướng dẫn về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 ...

Giá vàng hôm nay 23/2/2021: Hồi sinh trở lại

Giá vàng trong nước và thế giới hôm nay đang quay đầu bật tăng trở lại sau ngày vía Thần Tài. Đồng USD suy yếu ...

Tỉnh Bắc Giang ủng hộ tỉnh Hải Dương 2 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19

Ngày 22/2, Thường trực tỉnh ủy Bắc Giang đã thông báo ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng để giúp nhân dân tỉnh Hải Dương ...

Theo baochinhphu.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm