Chuyển động

"Không thể đi mãi đường sắt 100 năm trước", Chính phủ ra chỉ đạo nóng với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Cao Trung 06/07/2025 10:43

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải mở đường cho nền công nghiệp đường sắt hiện đại của Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), mở ra hành lang pháp lý rõ ràng cho việc phát triển hệ thống đường sắt hiện đại, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Một điểm mới quan trọng là ngoài hình thức đầu tư công, Chính phủ được phép lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp, kể cả đối tác tư nhân.

duongsatcaotocbacnam29.png
Chính phủ đặt kỳ vọng cao hơn với dự án Bắc – Nam

Bên lề kỳ họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ quan điểm thẳng thắn với báo chí về định hướng triển khai dự án này, coi đây là “cú hích của nền kinh tế” mà Việt Nam không thể tiếp tục chậm trễ.

“Kinh tế đã phát triển nhưng đến nay chúng ta vẫn đi trên những đường sắt từ 100 năm trước, rất bất cập và lạc hậu”, ông Bình nói.

Theo Phó Thủ tướng, chủ trương đầu tư tuyến Bắc – Nam đã được Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua, phản ánh sự thống nhất cao về mặt chính sách và tạo niềm tin lớn trong xã hội. Ông nhấn mạnh, dự án không chỉ để phục vụ người dân, thúc đẩy tăng trưởng mà còn là cơ hội để “định hình lại” một ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam hiện đại và chủ động.

Tư nhân được chào đón, nhưng phải có năng lực thực chất

Một điểm đáng chú ý là sự thay đổi về tư duy tiếp cận đối với khu vực kinh tế tư nhân. Phó Thủ tướng khẳng định, các công trình trọng điểm quốc gia trong những năm qua – từ cao tốc, hầm xuyên núi đến năng lượng tái tạo – đã cho thấy tư nhân đủ năng lực và hiệu quả nếu được tạo cơ chế phù hợp.

Ngay sau khi có chủ trương đường sắt tốc độ cao, Chính phủ đã nhận được không dưới 5 đề xuất từ các doanh nghiệp tư nhân bày tỏ mong muốn tham gia dự án. “Chính phủ hoan nghênh, coi đây là sự dấn thân”, Phó Thủ tướng nói và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất mô hình khả thi để tham gia.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh một nguyên tắc không nhân nhượng: Doanh nghiệp muốn tham gia phải chứng minh được năng lực tài chính, khả năng huy động vốn, kinh nghiệm thi công và thời gian triển khai cụ thể. Mọi hồ sơ đều phải qua Hội đồng thẩm định Nhà nước, công khai, minh bạch, “không có chuyện dấm dúi anh A, anh B”.

Tuyến đường sắt phải đạt đẳng cấp quốc tế

So với các tuyến đường sắt đô thị trước đó như Cát Linh – Hà Đông hay Bến Thành – Suối Tiên, Chính phủ đặt kỳ vọng cao hơn với dự án Bắc – Nam. Phó Thủ tướng cho rằng những bài học từ các dự án trước – cả thành công lẫn vướng mắc cần được tổng kết nghiêm túc để tránh lặp lại những vấn đề về đội vốn, chậm tiến độ hay thiếu liên kết tổng thể.

“Chúng ta phải xây dựng tuyến đường sắt tiệm cận chuẩn quốc tế. Thiết kế, giám sát, đánh giá dự án phải theo chuẩn quốc tế, vì thực sự chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải mời chuyên gia giỏi. Làm đường sắt phải đứng trên vai người khổng lồ”, ông Bình phát biểu.

Dự án này không chỉ đơn thuần là giao thông - Chính phủ kỳ vọng nó sẽ trở thành trục phát triển dọc đất nước, nơi mỗi nhà ga là một điểm đô thị, trung tâm công nghiệp, du lịch, văn hóa. Qua đó hình thành cả một hệ sinh thái phát triển đi kèm với công nghệ, lao động lành nghề và dịch vụ phụ trợ.

duongsatcaotoc15.jpg
Phương án thiết kế sơ bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam (Ảnh: TTXVN)

Cần một nền công nghiệp đường sắt cho tương lai

Phó Thủ tướng nhấn mạnh một điều tiên quyết: song song với việc đầu tư hạ tầng, Việt Nam cần hình thành một nền công nghiệp đường sắt có năng lực sản xuất, vận hành, đào tạo nhân lực bài bản. Mỗi công nhân, kỹ sư đường sắt phải là thành phần của một chiến lược dài hạn, có thể phục vụ vận hành đường sắt tốc độ cao trong nhiều thập kỷ tới.

Theo đó, Chính phủ kỳ vọng việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao không dừng lại ở một công trình, mà là “nền móng để phát triển công nghiệp và nhân lực hiện đại” – yếu tố quyết định cho các tuyến đường sắt tương lai.

“Chúng ta cần nhiều hơn một tuyến đường sắt. Chúng ta cần một ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam hiện đại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian vừa qua, một loạt doanh nghiệp như Vingroup, Đèo Cả, THACO... đã lần lượt công bố chiến lược tiếp cận dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Dù chưa có phương án cụ thể được chấp thuận, những động thái này cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong tư duy của doanh nghiệp Việt – từ nhà thầu sang nhà đầu tư hạ tầng chiến lược.

Với hành lang pháp lý đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục chọn lọc mô hình đầu tư tối ưu, có thể là công – tư kết hợp hoặc đầu tư công trong một số phân đoạn then chốt. Mục tiêu cuối cùng là: “hiện đại, hiệu quả, minh bạch và phục vụ nhân dân”.

      Nổi bật
          Mới nhất
          "Không thể đi mãi đường sắt 100 năm trước", Chính phủ ra chỉ đạo nóng với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO